Người xưa có câu "Đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường". Vậy ngoài sách sú ra, du lịch là một hoạt động của con người ở ngoài nơi “cư trú thường xuyên” của mình, nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong khoảng thời gian nhất định . Và “đi đây đi đó” còn để tìm hiểu về phong tục tập quán, cuộc sống con người, danh lam thắng cảnh của từng vùng miền khác nhau và những di tích lịch sử của cha ông ta ngày xưa để lại. Đi, không chỉ mở mang kiến thức, “đó đây” còn mang lại một khoảng thời gian để thư giãn, để nghỉ dưỡng sau những chuỗi ngày làm việc mệt nhọc, giúp mọi người thêm yêu, thêm quý cuộc sống này hơn, và còn thêm điều nữa, đi là cho ta nhìn ra được cuộc sống quanh ta, thật tươi đẹp biết nhường nào….
Với tôi, khi tôi đã từng đi và trải nghiệm, mỗi bước chân tôi qua hoặc đặt chân đến một vùng miền đất lạ, đều luôn cho tôi nhiều điều mới mẻ. Và tôi thật sự yêu những nơi ấy, dù rằng ở đó hoàn toàn khác biệt nơi tôi đã sinh ra lớn lên, cũng như nơi tôi đang sinh sống trong hiện tại. Con người có những lý lẽ của trái tim rất thường tình, yêu thương một người khác mình hay gắn bó với một vùng đất không phải quê cha đất tổ thì không bao giờ là điều dễ dàng bất cứ ai. Nhưng khi đã đến thăm một nơi nào ấy dù có xa lạ, thì một con đường, một lối rẽ, một vùng quê, tôi đều luôn để trái tim mình “tự do thổn thức” và cũng chính điều ấy đã cho tôi thật nhiều điều, rằng vũ trụ này bao la và cuộc sống này luôn thật sự hấp dẫn với mọi người, nó tràn đầy mới mẻ và cũng chính điều ấy đã đem đến cho tôi biết bao niềm tin và hy vọng…..
Nói đến du dịch ở miền Trung, tôi biết cứ ai đến Huế thăm chơi cũng tìm cách tót lên Bạch Mã, hoặc ai lâu về Đà Nẵng cũng…. nhảy lên Bà Nà. Còn “Đất Quảng Nam yêu thương” - Quê hương tôi, với nhiều người thường nghĩ ở đó có là Tháp Mỹ Sơn, là Hội An, là Cù Lao Chàm v.v.v. Không! Quảng Nam còn rất nhiều nơi, nhiều chốn để đi, để tham quan và tìm hiểu về một mảnh đất mà từ ngàn xưa đã gọi “Ngũ phụng tề phi”
Trước đây tôi đi và về có viết bài : - “Cây đa” đường Huỳnh Thúc Kháng – Tam Kỳ, “Đất Quảng ta ơi”, “Tri âm không là đó đây!”, “Cơm gà Tam Kỳ”, “Gốm sứ Minh Long – Đỉnh cao của sự huyền nhiệm”, “Hồ trên núi”, "Saigon-Tam kỳ" v.v.v trên Blog Yahoo của mình và những bài ấy được Đài PT và TH thành phố Tam Kỳ- Quảng Nam mang sang đăng lại trên trang Web chính của đài và một trang Web ở Mỹ cũng không bỏ lỡ “cơ hội” đem về spot tiếp lên….v.v.v và nhiều trang mạng khác như “monanngon.com”, hay “banvannghe.com”, "Gomminhlong.com" .v.v.v cũng sử dụng phần nhiều bài viết trên blog của tôi.
Đó là niềm vui của riêng tôi, cũng như chính đó cũng là niềm vui của mọi người viết log, viết là một nhu cầu của bản thân, viết là để trao đổi cho mọi người cùng đọc, cùng biết về thế giới xung quanh ta, khi ta chưa biết hoặc ta chưa có dịp đến đó để tìm hiểu….
Tôi đã có một cái Tết xuân Quý Tỵ tại miền Nam hơn 2 tuần “lẩn quẩn và loanh quanh”,nếu tính đi tính lại cũng là…. nữa tháng giêng. Người ta thường nói: “Tháng giêng là tháng ….ăn chơi”, nhưng với riêng tôi thì bao giờ nghĩ vậy, mà tháng giêng là “tháng rộng ngày dài” cho một năm mới bước đến sẽ còn vất vả, lo toan mà đời thường vốn có. Bởi vậy đây là khoảng thời gian mà tôi có thể cho phép mình nghĩ ngơi và thăm thú vài nơi chút đỉnh ….
Vậy là tháng giêng năm Quý Tỵ này tôi đã đến một số nơi như “Cù Lao Chàm”, “Ngũ Hành Sơn”, “Tháp Mỹ Sơn”, “Nhà Lưu niệm của Cụ Huỳnh Thúc Kháng”, "Nhà tưởng niệm Phan Chu Trinh" v.v.v.
Và sau đây không phải là loạt phóng sự, một bút ký hay là một thể loại gì để cho “rắc rối và to tát”, bởi chính đây là những gì tôi thấy, tôi chứng kiến những nơi tôi đã đến thăm, và nay tôi ghi chép lại vì sợ rằng …kẻo quên, chỉ có vậy!
Lời đầu tiên, tôi thành thật mong các độc giả, bạn bè gần xa đón nhận và góp ý chân thành qua comment.
Andi Nguyễn Ánh Nhật
KỲ 1 : “ Tháng Giêng về thăm nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng”
ĐÔI NÉT VỀ CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG
Huỳnh Thúc Kháng (1876–1947) được người Việt chúng ta còn gọi với một tên khác thật là gần gũi : Cụ HUỲNH ! Một tên gọi như để tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng - Một người vừa có tài năng, vừa đức độ, rất yêu nước, thương dân.
Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày1-10-1876 tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tân Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ ông là cụ ông Huỳnh Văn Phương, tự Tấn Hữu, xuất thân nhà nông hào nhưng cũng học qua Nho học, nhiều phen thi cử nhưng không đỗ. Thân mẫu ông là cụ bà Nguyễn Thị Tình, người làng Hội An nhưng cư ngụ làng Phú Thị (nay thuộc xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước), em ruột Phó bảng Nguyễn Đình Tựu
Huỳnh Thúc Kháng là một trong những người cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp là những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân. Vì lý do đó, ông bị bắt trong năm 1908, rồi bị đày ở Côn Đảo suốt 13 năm, đến mãi năm 1919 mới được trả tự do.
Huỳnh Thúc Khàng là một chí sĩ yêu nước nổi tiếng Việt Nam. Ông từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ thời thuộc Pháp, Bộ trưởng Nội vụ. Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời được thành lập, Bác Hồ đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia, giữ chức vụ phó chủ tịch nước, rồi quyền Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó Huỳnh Thúc Kháng được phân công chỉ đạo cuộc kháng chiến ở khu vực Nam Trung Bộ. Ông qua đời năm 1947 tại Quảng Ngãi. Nhân dân Quảng Ngãi yêu kính ông, an táng ông trên đỉnh núi Thiên Ấn.
VỀ THĂM NHÀ LƯU NIỆM CỤ HUỲNH.
Sáng một ngày của thượng tuần tháng giêng năm Quý Sửu, xuân hình như vẫn còn ở mọi nhà, trước ngõ nhà nào cây cỏ vài mươingày trước đã đâm chồi nảy lộc và nay cũng chỉ đang ở độ lá non. Tôi xách ba lô trên vai lên đường trực chỉ theo tỉnh lộ 616 về hướng Trà My, Tiên Phước – Quảng Nam, để đến nhà lưu niệm cụ Huỳnh. Đó là ngôi nhà thực của cụ Huỳnh xưa kia, nơi cụ đã sinh ra và lớn lên. Có thể nói đây là một ngôi nhà không có một bí ẩn nào , cũng như không có một sự tương truyền nào về giả thuyết mang tính huyền thoại về sự hình thành của nó để cho tôi hay mọi người tò mò khám phá. Nhưng tôi quyết đến thăm nhà cụ bằng một trái tim chân tình của mình về lòng biết ơn và nhân cách lớn, nhân cách làm người của cụ…….
(Còn nữa).
Andi Nguyễn Ánh Nhật
Huỳnh Thúc Kháng (1876–1947)
Toàn cảnh khu nhà tưởng niệm HUỲNH THUC KHÁNG