Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Phụ nữ VIỆT NAM biết mặc quần từ khi nào !?



Theo tờ Daily Mail, tiến sĩ David Reed - Một chuyên gia nghiên cứu "Động vật có vú" thuộc Đại học Florida đã cùng các cộng sự của mình làm cuộc “Cách mạng” nghiên cứu sự phân kỳ tiến hóa của các con Rận – Một "động vật không có …..vú". Từ đây họ vô tình đã xác định được thời điểm loài người bắt đầu biết mặc quần áo . Theo đó, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, con người bắt đầu mặc quần áo từ cách đây 170 nghìn năm, đúng vào thời điểm con người vượt ra khỏi Châu phi và di cư đến những vùng khác 

Và từ năm 1618 – 1623, có một vị giáo sư người Ý tên Cristoforo Borri sống ở vùng Quảng Nam, sau này ông đã có nhận xét trong một cuốn sách của mình rằng: “Người Việt Nam xưa nay thường có tính rất kỹ lưỡng. Tuy là một nước nhiệt đới, nhưng người Việt ăn mặc rất kín đáo, có thể là kín đáo nhất so với các dân tộc khác trong vùng”. Vậy với chiếc quần, người phụ nữ Việt Nam biết mặc nó từ khi nào? Một câu hỏi như vậy được đặt ra có khi người ta cho là "vớ va, vớ vẩn" cũng nên đáng tội! Nhưng bây giờ chúng ta hãy thử cùng bàn điều này ra sao….

Thời Lạc Việt phụ nữ đã biết mặc váy. Nhưng thực ra thời ấy người ta chưa hình dung ra cái quần có hai ống như bây giờ ra sao, hay nói cho đúng hơn là chưa có ai “bị ép” phải mặc quần (!) mà lai lịch của nó lại gắn liền với áo "Tứ thân". 


Chuyện áo quần, theo truyền thuyết xưa kia kể lại, khi cưỡi voi xung trận đánh đuổi quân Nam Hán, Hai Bà trưng đã mặc áo dài hai tà giáp vàng, và có che lọng vàng (còn quần là gì?). Có một cách giải thích về "áo dài hai tà giáp vàng" này, đó là thời trước kỹ thuật dệt còn quá đơn giản, thô sơ và mộc mạc, người Việt không thể dệt vải theo khổ lớn được (ngày xưa chỉ dệt được rộng nhất là 40 cm), nên người ta phải ghép bốn mảnh vải lại mới có thể tạo ra được một chiếc áo dài. Vậy nên nếu ta muốn biết tiểu sử và “thời điểm lịch sử” mà người phụ nữ Việt Nam trút bỏ váy để xỏ "đôi chân vào quần" là phải biết sơ về cái áo "Tứ thân" và sự thăng trầm của nó. 

Qua các thời kỳ, trước hết ta nhận thấy áo "Tứ thân" là tiền thân của áo … "Ngũ thân”. Trong khi áo “Ngũ thân” là mẹ đẻ của chiếc áo dài “Nhị thân” mà ngày nay các cô, các bà người Việt Nam thường tự hào và làm duyên khi mặc vào như hiện nay.

Trong đời thường chiếc áo "Tứ thân" đi vào trong hội họa, âm nhạc, thi ca như nhà thơ Nguyễn Bính đã viết: “Nào đâu cái yếm lụa sồi? Cái lưng đũi nhuộm hồi sang xuân? Nào đâu cái áo tứ thân? Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?” . Hơn nữa chiếc áo này thường được các nghệ sĩ sân khấu lấy dùng vào cho các vai nữ nông thôn miền Bắc. Đó là áo có phần lưng gồm hai mảnh vải ghép lại, phía trước có hai thân tách rời, được buột lại với nhau, thả trước bụng để tạo dáng người thon thả, phía trên không gài khít mà để lộ yếm màu bên trong. Áo tứ thân dài gần chấm gót, tay áo bó chặt ….. 

Chuyện chiếc quần của chúng ta hiện nay đã có nhiều thăng trầm theo cùng lịch sử đất nước, mà rõ nhất là trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài diễn ra, vì “không đợi trời chung” nên cũng đành không muốn lễ nhạc, lễ phục lãnh địa của mình giống đối phương. Khi ấy chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong lên xưng vương (năm 1744) đã bắt quan, dân phải mặc lễ phục lấy mẫu từ bộ “Tam tài đồ hội” của nhà Minh - Trung Quốc kết hợp với chiếc váy của người Chăm (Vì vậy nên có giả thuyết cho rằng, áo dài Việt Nam xuất xứ từ phương Bắc). Lúc đó theo “cải cách” này, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ra chỉ dụ, buộc phụ nữ Đàng Trong phải mặc quần trong cho váy! Nhưng cuối cùng cuộc cải cách của Võ Vương đã bất thành!. 

Hãy thử tưởng tượng nếu khi ấy chiếc áo "Tứ thân" đi liền với cái quần thì sẽ ra sao!?. Chắc cũng chẳng có sao!. Bởi nếu ngày nay có "giao diện" như vậy thì cũng thấy bình thường, vì dân Việt rất thông minh trong việc tìm cách phối hợp những nguyên tắc thẩm mỹ, cũng như nắm bắt rất nhanh trong thời trang đa hệ. Nhưng còn thời xưa, đó là chuyện “xúc phạm” đến thuần phong mỹ tục, là chuyện quốc gia đại sự chứ chẳng chơi. Với di sản mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, ý chí đấu tranh quật cường của người phụ nữ Việt Nam, nên lời chúa của Khoát cũng chẳng lay chuyển được cái “tính ương ngạnh”của chị em chúng ta. Và cuộc cách mạng đổi váy thay quần cũng tạm ngưng tại đó.

Đến năm Minh Mạng năm thứ 8 (Năm 1828 – Vua Minh Mạng là vua thứ nhì của triều đình nhà Nguyễn, trị vì từ 1820- 1841) đã nêu gương liệt tổ Nguyễn Phúc Khoát phán bảo bộ rằng: "Dư đồ của nước nhà hỗn hợp làm một, văn hóa phép tắc cũng giống nhau, sao nên có sự khác biệt. Châu Bố Chánh là đất phụ thuộc kinh kỳ, nhưng y phục của dân gian vẫn còn khác biệt, không hợp với nghĩa cùng chung quê quán, cùng chung phong hóa. Hạ lệnh cho dinh thần Quảng Bình, truyền khắp dân gian trong châu phải mặc quần áo cho đúng cách thức với dân ở sông Linh Giang trở vào miền trong, khiến cùng chung phong tục…”

Tuy nhiên, nhà vua cũng ý thức được việc "đổi váy thay quần" rất khó khăn với dân chúng nên ban dụ bộ lễ rằng: "Yên thói thường, quen nếp cũ, đó là tình người ta. đất bắc hà dồn chứa tập quán đã sáu bảy trăm năm, trong một ngày trở nên thay đổi, thật là ý nghĩa có quan hệ đến khí vận của đất nước, không phải sức người có thể tính liệu được” (Minh Mệnh Chính Yếu – quyển 2 trang 224-225 . Bộ này gồm có 25 quyển do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn). Từ trên xuống dưới chiếu lệnh vua ban nhưng chẳng nhúc nhích được lòng dân, phụ nữ ra đường vẫn ung dung váy yếm!.

11 năm sau (1839), Minh Mạng Hoàng đế lại ban dụ tiếp: "Ngày trước từ Linh Giang trở ra Bắc, dân vẫn ăn mặc như tục cũ. Đã ban dụ truyền lệnh sửa đổi theo y phục từ tỉnh Quảng Bình trở vào Miền trong để phong tục đồng nhất. lại cho thời hạn rộng rãi, khiến dân được thong thả mua sắm áo quần. Từ năm Minh mệnh thứ 8 đến nay, đã 10 năm rồi, vẫn nghe nói dân chưa sửa đổi. Vả lại từ Quảng Bình trở vào nam, mũ khăn quần áo đều theo cách của nhà Hán, nhà Minh xem khá tỉnh tề. Theo phong tục cũ của người miền Bắc, con trai đóng khố, con gái mặc áo thắt vạt, dưới mặc váy. đẹp xấu đã thấy rõ rệt. Có kẻ đã theo tục tốt, cũng có kẻ giữ nguyên thoái cũ. Phải chăng làm cố ý lệnh trên? Các tỉnh thần nên đem ý ấy mà chỉ bảo, khuyên dụ dân. Hạn trong năm nay, phải nhất tề thay đổi. nếu đầu năm sau, còn giữ nguyên theo y phục cũ, sẽ bị tội " (Minh Mệnh Chính Yếu, quyển 2 , trang 261) 

Với chiếu lệnh này cũng chẳng có sự chuyển biến nào tốt hơn, và sau đó không thấy ai nhắc đến kết quả sự kiện "đổi váy thay quần" của vua triều Nguyễn. Bởi việc cải đổi y phục của vua đã gặp phải sức kháng cự của người dân Đàng Ngoài bằng hành động bất tuân phục và đặt ra những bài hò vè để chế diễu phản đối. Như sau này trong tác phẩm "Đất Lề Quê Thói" của tác giả Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu có viết về vấn đề đó như sau: “Người xứ Bắc vốn không qui phục nhà Nguyễn . . . lại gặp phải chính sự hà khắc cấm đoán cả về y phục, trái với lẽ thường, dân mất váy lần này có câu ca rằng: 
Tháng chín có chiếu vua ra:
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi ra bóc lột quần chồng sao đang.
Có quần ra quán bán hàng,
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan ” 
(Đất Lề Quê Thói, tr. 207-208) 

Mãi nửa đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh lịch sử mới, nước Nam chịu sự tác động của Âu hóa, chiếc áo “Tứ thân” được cải tiến thành “Ngũ thân” (5 vạt) có khuy cài. Dần dần thời gian rồi áo “Ngũ thân” đơn giản hóa thành “Nhị thân” như người ta thấy hiện nay. Chính nhờ sự biến tấu của "Ngũ thân" nên chiếc quần hai ống cũng mới thực sự được đàn bà An Nam chấp nhận xỏ vào thay cho váy một cách đại trà theo thời trang áo "Nhị thân". Và cũng bắt đầu từ đây trong con mắt của mọi người Việt nếu mặc áo dài “Nhị thân” mà tròng váy vào đúng là coi "không đã”, vì thế nên tất cả đều phải mặc…. quần. 

Thật may chiếc quần trắng rộng từ khi xuất hiện đã rất thích hợp với dáng vóc phụ nữ Việt Nam, như tưởng chừng nó sinh ra để kết hợp với chiếc áo dài "Nhị thân" thành một "cặp đôi hoàn hảo". Và cái đẹp giữa "áo và quần" này đã tạo nên một bộ trang phục độc đáo có tính thương hiệu và đặc trưng, quí phái, gợi cảm nhất của người phụ nữ Việt Nam hiện nay.

Còn điều này nữa, theo hoàn cảnh lịch sử kể trên, có phải phụ nữ Miền Nam biết mặc quần trước phụ nữ Miền Bắc?. Chuyện ấy chưa bàn mà chỉ biết với một đường kéo xẻ cái váy ra làm hai mảnh và hai đường may “ốp” 2 mảnh thành hai ống quần mà phải trải qua mấy trăm năm “sóng gió”. Thật ra cũng nhờ thế mới biết, mỗi nhát cắt và mũi kim trên chiếc quần hiện đại có chiều dài “lịch sử đấu tranh” hàng chục năm với bao thăng trầm “oan nghiệt”…

Andi Nguyễn Ánh Nhật
Mời các bạn cùng thư giãn với những câu Slogan vui được in trên áo.











 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hot girl Viet Nam Click Here
Hot girl in the world Click Here