Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Đi tìm một bài hát cho QUÊ HUƠNG!


 

Tôi là một người may mắn, bởi trước đây đã có thời gian làm nghề báo trong gần 10 năm và chơi rất thân với nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà thơ nổi tiếng v. v.v. Song có nhiều lần “trà dư tửu hậu” với họ, tôi đã hỏi về đề tài những ca khúc địa phương ca, thế nhưng người ta cũng chưa có câu trả lời để cho….. “ra ngô, ra khoai” …. Bởi có những lần tôi hỏi: “Từ ngày Quảng Nam - Đà Nẵng tách tỉnh làm hai, có nơi nào được viết thêm những ca khúc được cho là …… hay nhất của thời kỳ “đổi mới” ?”. Câu trả lời bao giờ cũng là “Có! Nhưng không bằng khi xưa….”.

Vậy là hình như ngay cả những nhạc sĩ xưa nay là bậc thầy viết những ca khúc “địa phương ca” mượt mà thắm đượm tình quê, tuyệt hay như Phan Huỳnh Điểu, Huy Du, Nguyễn Văn Tý v.v.v cũng chưa trình làng thêm một ca khúc nào cho là nổi tiếng hơn như trước. Và hiện nay những người Quảng xa quê lớn tuổi như tôi, khi đi Karaoke, lúc nhớ nhà kiếm một bài hát về quê huơng cũng khó. Quanh qua, quẫn lại cũng là những ca khúc viết rất hay và nổi tiếng trước đây như: “Quảng Nam-Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình” của Nguyễn Văn Tý, “Quảng Nam yêu thương” của Phan Huỳnh Điểu hay “Thương em chín đợi mười chờ!” của Minh Đức v. v.v. 

Những ca khúc đó, đã thật sự đi vào tâm hồn của người người lớp lớp, làm sống dậy niềm yêu thương quê hương xứ sở trong tâm thức của nhiều người dân xứ Quảng. Trong những ca khúc ấy thấp thoáng bóng dáng của Đà Nẵng, của Quảng Nam trong câu hát, ca từ như: “Anh đưa em đi thăm lại quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng” hay “Bay qua sông Hàn, nhớ chào người Dũng sỹ Thanh Khê, chào Hải Vân, chào Sơn Trà, chào những con tàu ta bám biển đi về. Anh lại cùng em về Hoà Sơn, thăm nông trường thơm chín”. Còn về bài hát riêng cho Đà Nẵng từ trước đến nay cũng có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay và mức độ ấn tượng “có nhiều người nhớ. ít người quên”, rồi chỉ dừng lại ở những ca khúc như: “Cô du kích Đà Nẵng” của Thanh Anh, “Sông Hàn vang tiếng hát” của Huy Du, “Đà Nẵng ơi chúng con đã về” của Phan Huỳnh Điểu……Còn những bài hát mới sáng tác sau này như “Quê hương tôi” của Trần Quế Sơn, “Đêm hội phố Hoài” của Nguyễn Duy Khoái, hay “Bài thơ quê lụa”, “Đường về” của Vũ Đức Sao Biển dù đều mang phong cách giai điệu âm hưởng dân ca của xứ sở hoặc ca từ thắm đượm tình quê, nhưng chưa thể gọi là những bài hát hic hoặc hay như thuở.... “ngày xưa”!?.

Nếu nói những tác phẩm thơ ca, âm nhạc xưa kia thật hay và đi vào lòng người là do được những nhạc sĩ ưu tiên dành một tỷ lệ lớn tác phẩm, rồi cảm xúc của mình chỉ dành cho tình yêu quê hương, tình yêu đất nước. Vậy thì giá trị của những ca khúc ấy có phải là nhờ công rất lớn của những nhạc sĩ sáng tác giỏi?. Những người con sinh ra từ quê hương đất Quảng?. Hay đó là những người nhạc sĩ dù được thuê viết nhưng họ thật sự nặng tình, nặng nghĩa với mảnh đất Quảng Nam và Đà Nẵng?. Và một thực tế đã trả lời, chỉ có những người con của mảnh đất nơi đây mới viết được những ca khúc hay, như người nhạc sĩ tài hoa, gạo cội Phan Huỳnh Điểu viết trong ca khúc: “Quảng nam yêu thương” với ca từ thật là mượt mà, da diết : “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm chứ rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say. Lời hát xưa nghe sao thấm đượm tình xao xuyến trong tim mình….”. Hay như nhạc sĩ tài hoa trẻ tuổi Trần Quế Sơn từng viết trong “Tình quê”: “Quảng Nam ơi! Quảng Nam ơi! Thương quá làng quê bão dông chìm nổi, thương xóm làng xưa cánh đồng trên núi, thương mía đường thơm tô mì gạo mới, thương quá Hội An phố cổ đẹp ngàn đời…” nghe thật ngọt ngào và thiết tha….

Một bức tranh thiên nhiên đẹp, độc đáo của núi sông, của thiên nhiên, của những sản phẩm mộc mạc như gạo đường được làm ra từ bàn tay con người dân Quảng lại có trong giai điệu câu hát quá hay và da diết trên từng phím nghỉ….Và không có ca từ và giai điệu nào khác hay hơn thế nữa.

Qua báo chí thời gian qua, tôi được biết những nhà chức trách của Đà Nẵng cũng như Quảng Nam đã có nhiều đơn “đặt hàng” với nhiều nhạc sĩ giỏi để cho ca khúc viết về quê hương Quảng Nam và Đà Nẵng. Như chúng ta đã biết trên thế giới đã từng có những ca khúc chỉ viết về một con mưa hay một khách sạn như “Hotel California”, “Rhythm of the Rain” v.v.v.v, nhưng đó là những ca khúc nổi tiếng của mọi thời đại, được hàng triệu, triệu con tim thổn thức khi chỉ một điệu nhạc dạo vang lên. Thế mà cuộc thi sáng tác bài hát về quê hương trong thời kỳ mới, nhưng kết quả lại không được như mong đợi (?). Và người Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn phải mang ra tiếp tục hát lại những ca khúc xưa khi đi đâu đó hay giao lưu với bạn bè ở những quán Karaoke. Công bằng mà nói đó cũng là thực trạng chung của một nền âm nhạc Việt Nam trong gần mười năm nay khi mà dòng nhạc trẻ đang ở thế thượng phong. 

Đi đâu người Hà Nội cũng chỉ hát lại những ca khúc, những giai âm và ca từ quen thuộc. Lòng “người Hà Nội” làm sao không khỏi xuyến xao về Thu đô mùa thu nhớ: “Có phải em mùa thu Hà Nội” (Trần Quang Lộc), “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” (Nhạc Trương Quý Hải, thơ: Bùi Thanh Tuấn). Còn người Hải Phòng, nếu ai đó đứng giữa đám đông là người Việt Nam, họ luôn tự hào mình là người Hải Phòng và bài hát dù đã xưa cũ “Thành phố Hoa phượng đỏ” (Lương Vĩnh) lúc nào cũng chảy tràn trong huyết quản của họ, rồi người ở Huế lại cũng chỉ những bài hát quen thuộc “Mưa trên phố Huế” (Minh Kỳ và Tôn Nữ Thụy Khuơng), hay “ Huế thương” (An Thuyên), người sống ở Tây Nguyên thì với “Ly cà phê ban mê” (Nguyễn Cuờng), “Còn chút gì để nhớ” (Phạm Duy) hay như Đà Lạt…… “Mimosa từ đâu em tới” (Trần Kiết Tường)? .

Sao khó vậy (?), tôi có lần trò chuyện với Nhạc sĩ Hoàng Bích (Hiện là Phó Giám đốc sở VHTT Quảng Nam) và ông nói với tôi rằng : “Cách phát âm hai chữ Quảng Nam với âm nhạc có phần dễ hơn hai từ…. Đà Nẵng, và như khi đưa vào bài hát hai từ Đà Nẵng để có âm điệu hay như ý muốn của người sáng tác là rất khó diễn đạt…”. Kể cũng đúng song không đúng hẳn. Điều ấy cũng có thể do các nhạc sĩ chưa thật sự sẵn sàng, chưa “nhập hồn” vào thực tế cái đẹp của một vùng đất đang sinh sôi. Trong khi thế hệ bây giờ đang có nhiều nhạc sĩ trẻ có trình độ, được học tập đàng hoàn, kỷ thuật viết được nhiều loại hình âm nhạc lớn nhỏ khác nhau. Nói vậy, nhưng họ lại ít vốn sống nên cứ lấy giai điệu dân ca của một vùng miền nào đó là có thể làm bếp núc trong sáng tác ca khúc "địa phương ca". Bởi vậy nên đã xảy ra một thực tế là họ chưa “mang nặng” lại phải … "đẻ đau”. Và chính điều ấy sẽ làm cho giai điệu và tiết tấu không thể hay được là điều tất yếu!. 

Tôi cũng may mắn là nhà mình cùng chung vách và là người thân thiết với nhạc sĩ gạo cội Trần Viết Bính, tác giả của bài hát “Hạt gạo làng ta” (phổ thơ Trần Đăng Khoa) và ông đã có nhiều bài hát hay về quê hương, nhưng suốt thời gian gần mười năm nay ông không viết được thêm ca khúc nào. Có một lần lúc “trà dư tửu hậu” tôi có hỏi ông: “Vì sao chú hay đi viết nhạc cho phim, cho múa, cho hợp xướng, giao hưởng v.v.v mà ít sáng tác những ca khúc cho quê hương như khi xưa?” (Theo tôi được biết viết nhạc cho những thể loại như trên là đòi hỏi nhiều công phu, nhiều kỹ thuật hơn viết bài hát..). Ông trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Lý trí của tớ cũng bảo thế, nhưng tình cảm lại là không thế !!??” và tôi không hiểu câu nói ẩn ý sâu xa của ông, cũng giống như không hiểu vì sao các ca khúc viết về quê hương ngày càng một ít hơn.

Nghĩ vậy, ta thật buồn cho âm nhạc của ngày hôm nay. Bởi ngày xưa, vùng đất xứ Quảng quê tôi sau chiến tranh là những xóm làng, những con phố bị tàn phá , những con sông, ngọn núi sạc lỡ, những cái hồ (như Phú Ninh) không thật sự “sơn thuỷ hữu tình”, nhưng đều có trong những giai điệu mượt mà thấm đượm trong nhiều bài hát. Và Quảng Nam không mang một vẻ đẹp xưa như Hà Nội, Huế, hay của một thành phố năng động như Sài Gòn nhưng cũng có thể nhiều người biết đến quê tôi qua ca khúc “Quảng Nam yêu thương” (Phan Huỳnh Điểu) hay “Thương em chín đợi mười chờ” (Minh Đức). Có thể nói những bài hát này khi cất lên nghe thật gần gũi, gắn liền với nhiều tầng ý nghĩa văn hoá sống của miền đất Quảng yêu thương. Nó như một kỷ niệm của nỗi nhớ và tình yêu. Thời của những con phố, con sông, những quê hương Trà My, Tiên Phước thành nhạc, thành thơ : “Ta nghe hương quế thơm từ Trà My về, thơm tận vùng Giao Thuỷ. Quê hương dâu tằm, máy đã về kéo kén xe tơ. Về Phú Ninh, ta chung tay xây xây hồ nước lớn, cho những vụ mùa đầy ắp lúa khoai ngô…” (Quảng Nam Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình – Phan Huỳnh Điểu). 

Quê hương tôi đó, đã đẹp lên biết lao lần trong ca khúc, đó là chút còn lại để cho tôi nhớ quê. Đã có lần tim tôi bồi hồi, thổn thức cho những lần về thăm quê, khi chiều lang thang trên rẻo ngõ hay nện gót trên quê hương Núi Thành, Thăng Bình, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên v.v.v. Rất thật! Tôi rất thèm được muốn nghe một chàng trai của làng nào ấy hát “ ..Thương em! Thương em gắng đợi ngày nào, gắng đợi ngày nào. Bao giờ dâu mượt. Anh bắt cầu, anh bắt cầu đón em !” 

Thực ra một điều là khi đặt bút viết bài này, tôi có thật nhiều điều để viết, bởi tôi rất yêu những ca khúc về quê huơng tôi, tôi yêu cái tĩnh lặng an nhiên của vùng nông thôn miền Trung vốn có, cũng như đã yêu thành phố Tam Kỳ, Hội An có nhịp sống chậm hơn các đô thị khác, và một tình yêu tôi với nhiều nơi hầu như là máu thịt. Tôi công nhận rằng viết văn như tôi là điều rất dễ, ví dụ hôm nay tôi viết người đọc không hiểu, rồi ngày mai họ sẽ hiểu, có thể như tôi tả một vị anh hùng chỉ cần: “Anh hùng đó bao nhiêu tuổi, cao mấy thước, vì sao người ta dâng hiến, vì sao hy sinh ….”. Nhưng trong âm nhạc là chuyện rất khó, đó là một bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt tình cảm và cảm xúc con người, do vậy cần phải gọt giũa, tước bỏ những điều không phù hợp với ca khúc, phải nhuận nhị văn hóa sống của từng nơi v.v.v. Một ca khúc mà khi cất lên là mọi người đã nghe được tiếng chim kêu, vượn hú, tiếng hân hoan và cả tiếng cười lẫn trong tiếng khóc…. Quả thật là khó! 

Dẫu biết là khó nhưng mong sao trong thời gian tới, mọi người dân xứ Quảng quê tôi được nghe nhiều bài hát hay về quê huơng xứ sở của mình. Theo tôi, để làm được điều này, ngoài sự cố gắng, tài năng và cái “duyên” của người nhạc sĩ. Ắt hẳn điều này rất cần có như lời của nhạc sỹ Đỗ Nhuận khi còn sống ông có nói : “Mọi ca khúc hiện nay ít hay là vì có nhạc sĩ coi thường nó, làm như thế thì lẹt đẹt mãi. Trong kháng chiến ít ai đến viết hợp xướng, ca kịch giao hưởng, nhạc phim, cho nên ca khúc tập trung được nhiều bài hay. Bây giờ tay PHẢI làm những cái lớn, tay TRÁI làm ca khúc, tất nhiên nó không hay. Theo tôi nghĩ, sáng tác ca khúc phải viết bằng tay PHẢI, loại hình nhỏ phải có tâm hồn lớn và lao động nghệ thuật tận lực, tận tình mới thành công được”

Và tôi đây là hậu sinh cũng mong như thế và xin lấy câu nói trên của Đỗ Nhuận để kết thúc bài viết này 

Andi Nguyễn Ánh Nhật




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hot girl Viet Nam Click Here
Hot girl in the world Click Here