Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

NGÀY XƯA.....!


Tôi vô cùng thích thú mỗi khi nghe anh kể chuyện ngày xưa của anh, dẫu rằng “ngày xưa” ấy cũng có cái giống như một phần đời của tôi trong ấy… 

- “Anh kể đi, chuyện ngày xưa anh đi làm ruộng, đi chăn trâu giữ bò, cắt cỏ, hay tát cá hồi nhỏ của anh đó…” 

- “Anh kể chuyện yêu đương của anh hồi mới lớn í…!” 

Rồi không hiểu vì sao nhiều câu chuyện của anh kể lại thu hút tôi đến vậy. Tôi thích thú tròn mắt ngước nhìn anh trong những lúc hai đứa rong ruổi chở nhau trên đường, hay những dịp đi về quê anh. Có nhiều đêm tôi và anh cứ như không phải là vợ là chồng, chúng tôi cứ thầm thì trò chuyện như hai người bạn thân lâu ngày mới gặp lại…Cuộc đời phóng khoáng và thi vị của anh đã cuốn hút tôi, và ngược lại cái bản tính trẻ con lẫn đàn bà đầy ma mị của tôi cũng đã làm anh mê mẩn…Cứ vậy, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thốt lên rằng: “Kỳ lạ thật, bao năm rồi mà sao tui mình vẫn chưa chán, khi hàng ngày cùng ăn cùng ngủ thế nhưng mỗi cái ôm bao giờ cũng xiết chặt…!” 

“Anh đó, em nhìn đi, rồi hình dung ra anh của em 20 năm về trước!”- Anh cười nhẹ rồi chìa cho tôi xem tấm ảnh ngày xưa của anh chụp ở vùng nông thôn Bình Tú, Thăng Bình. 

Chao ôi, anh là vậy sao, hình ảnh một anh nông dân tuổi tầm 25, áo rách vá vai, quần cũ bạc màu. Còn trên đầu trông như con bù nhìn gầy gò với chiếc nón lá cời như thể không rách hơn được nữa. Anh của tôi đó ư, đang vác cuốc trên vai đứng trên cánh đồng trong mùa cày xới… 

Tôi nghiêng đầu áp vào lồng ngực anh: “Anh! Hồi xưa em có nằm mơ thì cũng không bao giờ hình dung hình dáng ấy sẽ làm chồng của em sau 20 năm nữa…” 

Tôi và anh ôm nhau và cùng cười giòn tan, tôi cứ nhìn mãi hình dáng ấy và cố hình dung ra gương mặt anh…Nhưng cuộc đời không thể biết được chữ ngờ, dù rằng tôi và anh học cùng trường, cùng ở chung ký túc xá, nhưng hồi ấy tôi không hề biết anh! 

Mới 6 tuổi, anh như bao đứa trẻ nông thôn khác, việc đồng áng là điều phải làm như bao người bạn cùng tuổi. Tất nhiên không phải đứa trẻ thành thị nào như tôi ngày xưa cũng tin được khi nghe anh kể…. 

“Em ơi, hồi xưa ở nông thôn đứa trẻ nào cũng không có dép để mang đâu, không đội mũ nữa, và hàng ngày anh phải dắt trâu đi xa cả gần chục cây số để kiếm những bãi cỏ xanh tốt cho nó ăn. Em có biết thời đó, đứa trẻ chăn trâu nào cũng rất khét nắng dù tối về có tắm rửa hay kỳ cọ, nhưng cái mùi nắng, mùi phân trâu cứ như đã ăn sâu vào từng tế bào da, sớ thịt…” 

Tôi há miệng nghe mỗi khi anh kể, rồi vùi đầu mình vào ngửi tìm chút mùi khét nắng, mùi trâu ở da thịt anh…Anh cười hiền, rồi ghì mũi lên mái đầu tôi: “Tóc em thơm quá! Làm gì bây giờ còn nữa em, may mắn anh đã thoát ly khỏi vùng quê nghèo khó để tha phương lập nghiệp, bao năm rồi, mùi bia, mùi thị thành đã khỏa lấp mùi đồng ruộng, nhưng làm sao anh quên được “tuổi thơ dữ dội” ngày ấy hả em!?” 

Những câu chuyện cứ lan man không đầu không cuối, anh nhớ đâu kể đó cho tôi nghe. Quãng đường từ quê anh đến thị xã vẻn vẹn 15 cây số, vậy mà ngày xưa, trong trí nhớ của anh, thị xã đó như một cái gì ghê gớm và rất vời xa so với cuộc sống nông thôn như anh. Anh nhớ năm mình 10 tuổi, một mình anh phải thường tự đạp xe đạp đi vào bệnh viện của Thị xã để khám bệnh. “Ngày nay chuyện lo con cái đau ốm là của người lớn, nhưng khi ấy kinh tế khó khăn, cha mẹ lại luôn bận bịu túi bụi cho việc làm đồng, thôi thì ba mẹ đành phải bảo - Con đứa nào đau ốm phải tự đi…!”- Anh kể. 

“Anh đừng bịa, em không tin đâu, một đứa trẻ nhà quê mới 10 tuổi làm sao biết đường mà đi vào thị xã hả anh, rồi nói với bác sĩ thế nào..?”- Tôi nửa tin, nửa ngờ với anh. 

“Vậy đó em, ở tuổi này đôi chân anh còn ngắn củn, duỗi thẳng hết mức nhưng vẫn không chạm đến được pê-dan xe đạp, ẹo qua ẹo lại, mãi rồi cũng đến thị xã. Thường lúc ấy anh vào bênh viện vì đau răng chắc bởi khi đó chưa có các loại kem đánh răng “Nha sĩ khuyên dùng” – Rồi anh tiếp. “Em có biết không, khám bệnh xong rồi ghé vô cửa hàng Ăn uống Mậu dịch Quốc doanh mua vài cái bánh rán tẩm đường xung quanh, ăn ngon đến nỗi quên cả đau răng, rồi lóc cóc đạp về nhà”. Anh nói chân tình làm tôi phát khiếp!. 

- Sao anh không đi bằng xe buýt?- Tôi hỏi lại. 

Anh kí nhẹ vào trán tôi: “Em quên rồi à, ngày xưa làm gì có xe buýt, mà chỉ có xe Đờ- nôn..”  

Tôi hỏi cắc cớ thêm: “Sao má anh nỡ cho đi, lỡ xe cộ hay tai nạn thì sao?”  

“Em lại quên nữa rồi, ngày xưa ngoài đường đâu có nhiều xe cộ như bây giờ đâu, thi thoảng mới có chiếc xe đò, xe honda không có, ô tô lại càng không, đi trên đường nhựa còn sướng hơn cả đường đất của làng!”  

Tôi đã yêu và thương anh!  

Ồ! Ở tuổi ấy như anh, tôi như dòng sông êm đềm dưới cả một bầu trời mộng mơ. Thuở đói kém của những ngày còn bao cấp ấy, một đứa bé như tôi hàng ngày vẫn thường xuyên được uống sữa, sống không lo âu muộn phiền và cảm nhận được cái đói khổ của bạn bè cùng lứa cũng như cùng lớp.  

Với tôi khi ấy chỉ có điều “đau khổ” nhất trong cuộc sống có lẽ là do những buồi trưa tan học nhưng chẳng bao giờ tôi chịu về nhà ngay. Lần nào cũng vậy tôi cùng vài ba đứa chui vào vườn cây rậm rạp của một ngôi nhà hoang trong xóm hay có lúc đi bộ thật xa tìm những lùm cây hoa lá, mải mê bắt bướm. Thời môi trường chưa bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu, dịch bệnh, ở ven thị xã của tôi bướm nhiều vô kể, bướm hằng hà vô số đủ mọi hình dáng kích thước và màu sắc…Tôi cứ mải mê theo từng con bướm cho đến khi nghe tiếng gọi “Bé ơi!!!” của người anh trai đi tìm, khi đó tôi mới chịu về nhà. Và hôm nào về đến nhà cũng vậy tôi thường bị anh trai vọt cho mấy cái roi lằn đít…Còn điều “đau khổ” nữa là cứ mỗi buổi tối tôi lại cùng với đám bạn trong xóm chơi trò 5, 10 hay tán lon, mải mê đến khuya vẫn chưa chịu về. Đến lúc trời đã khuya lũ trẻ chúng tôi mới tan đàn phần ai về nhà nấy. Vào nhà, tôi rón rén leo lên giường ngủ nhưng hay “quên” rửa chân, vậy là cũng nhiều lần tôi bị anh trai bắt “tại trận”, vậy là tôi có thêm một trận đòn roi!  

Giờ đây, khi đã trưởng thành nhưng trong lòng tôi vẫn còn hoài nghi, còn hay không đàn bướm đó, hay chúng đã bay về đâu đã mang đi của tôi cả khung trời đầy mộng mơ và kỷ niệm. ...

Nhớ hồi ấy, mỗi khi bắt được con bướm nào đẹp chúng tôi “xử tử” liền con đó một cách hồn nhiên mà không sợ hãi hoặc áy náy, rồi phơi khô ép vào cuốn tập học trò trắng phau. Có một lần tôi còn nhớ mãi, lũ chúng tôi bị bà chủ vườn (có thể bị thần kinh) tóm được một đứa và trói vào gốc cây. Chao ôi, cả lũ chúng tôi mặt mày ai cũng đều xanh như tàu lá chuối non vì quá hoảng sợ, còn tôi dù bản tính "gan lì" nhưng phải khóc như mưa..... 

Tuổi thơ của tôi đã có những tháng ngày thật đẹp, đó là lúc tôi tập tành cầm cọ vẽ tranh, vẽ chân dung các vị nổi tiếng có những bộ râu xồm xoàm bằng phương pháp kẻ ô. Rồi tôi thường tự tưởng tượng ra hình hài vóc dáng những cô gái xinh đẹp mà cặm cụi ngồi vẽ. Xong xuôi tôi tự đi mua khung về lồng vào treo trên tường ngay chiếc bàn tôi ngồi học v.v.v.  Ôi, tôi đã hạnh phúc làm sao!.

Tuổi thơ đã đi qua, thời gian không đợi, nay viết những dòng này tôi như đang trở về nơi dòng sông ấy, tôi cảm thấy mình đã thấm tháp thực sự những kỷ niệm ngày xưa, cũng như tôi vẫn còn niềm tiếc nuối, tuổi thơ đi qua mang theo những cảm giác tuyệt vời.  

Tuổi thơ êm đềm của tôi là sau những giờ chụm đầu học chung nhóm, lũ chúng tôi ra vườn hái trái vả, dái mít chấm muối sống giã ớt xanh…Với tôi, có lẽ cái hương vị chan chát ấy là điều duy nhất mà tôi luôn nhớ về khi nhắc đến....ngày xưa. Tôi muốn hoài niệm về điều ấy, bởi nó rất khác xa với những cái chát, cái cay mà tôi đã vấp ngã và thấm thía trên đường đời! 

Hình như tôi đã và đang lan man trong “tạp bút” này. Bây giời tôi viết tiếp về anh đây...... 

Tôi đã yêu anh theo năm tháng và lúc nào tôi cũng luôn háo hức được nghe anh kể vì cuộc sống nghèo khó của anh ngày xưa, đó cũng là điều duy nhất mà tôi thiếu lúc còn tuổi thơ cũng như lúc ở thì con gái!  

Cả gia đình anh hồi ấy với 8 miệng ăn, làm lụm quần quật quanh năm mà vẫn thiếu, mẹ anh như người “chỉ huy” chống chèo cả gia đình, từ việc nhà đến việc đồng áng để đưa bầy con 6 người lần lượt vào đại học. Tôi thường mường tưởng ra hình ảnh dáng của mẹ anh liêu xiêu trên cánh đồng nắng khét. Hay đó là một người mẹ phải khom lưng gánh từng gánh thóc nặng đi bán kiếm tiền cho anh ra lại trường đại học. Và tôi nghĩ mỗi dáng dấp người mẹ tần tảo nào khi thoáng gặp, ai cũng có nỗi day dứt, nhớ ơn của riêng mình. Còn riêng anh tôi biết, khi rời chốn quê để đi ra chốn thị thành, anh đã mang theo hình ảnh này suốt cuộc đời của mình. Mỗi khi kể về gia đình cho tôi hay bạn bè của anh nghe, anh thường hay nhắc đến người mẹ của mình, Người luôn có sẵn niềm thương yêu vô bờ để dành cho chồng con cũng như sức chịu đựng hy sinh của một người phụ nữ đáng kính. Anh – Người tôi yêu! Anh luôn là người con hiếu thảo, một đức tính quý đã làm cho tôi yêu anh nhiều thêm. 

Nghe anh kể cuộc đời anh đã trải qua biết bao khổ cực, và cho dù cuộc sống và lối nghĩ bây giờ có hiện đại hơn nhưng cái nếp sinh hoạt của gia đình nông thôn ngày ấy, cũng là chính gia đình anh đã làm tôi ao ước. Người bố anh mặc chuyện đồng áng cho vợ con, yên tâm với vị trí ông giáo làng ngày ngày đến trường và về nhà chỉ biết đọc báo. 

Tối thứ bảy hàng tuần nhà anh đều luôn có cuộc “Họp gia đình” do người anh cả chủ trì. Anh kể, trong cuộc họp của tuần nào cũng có kiểm điểm, “đánh giá” sinh hoạt và làm việc các anh em trong nhà như: “Thằng cu Tý quét nhà không sạch, thằng Tèo đi học tuần này bị điểm kém, Chị 5 chủ nhật tuần qua bỏ đi chơi với bạn, không theo mẹ ra đồng cấy v.v.v.”. Rồi sau đó là xếp loại A, B từng người theo kết quả “phê bình và tự phê bình” trong cuộc họp. Một thoáng tôi bật cười vì sự tiến bộ, hiện đại và những điều quá chỉn chu của một gia đình nhỏ ở nông thôn ngày ấy. Sau đó là một khoảng lặng dài để cho tôi thán phục về gia đình anh. Tôi nghĩ có lẽ do sớm ý thức cao trong vấn đề thay đổi số phận bằng việc học hành đã giúp anh em gia đình anh sau này đều thành đạt và khá giả. 

“Ước gì ngày đó anh mạnh dạn nói tiếng yêu em!. Ừ nhỉ, có gì là khó đâu, anh dắt em về với nhánh lúa nhành khoai, đi qua cánh đồng vàng ươm mùa gặt, hay anh rủ em đi đào khoai nhổ đậu và cảm nhận cái ấm cúng, cái riêng biệt mà em chưa bao giờ cảm nhận được...Biết đâu...!”- Tôi thỏ thẻ bên anh. (Còn nữa)  

NTND (Khóa 4 - 1988/1993 - Trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hot girl Viet Nam Click Here
Hot girl in the world Click Here