Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Những chuyện "quái đản" ở Bệnh viện VN !

(ĂN THEO CUỐI TUẦN - Thế giới người Việt)

Nói đến chuyện bệnh viện ở VN nhiều quá rồi, thật tình tôi không muốn nhắc đến nữa. Nhưng còn những chuyện vượt quá sức tưởng tượng của con người giữa thời đại này và có lẽ ngay cả ở thời đại y khoa còn non trẻ lạc hậu cũng không ai dám ngờ tới. Ở đây không phải do khoa học kỹ thuật mà do chính con người. Những con người được dạy dỗ, đào tạo bài bản cả về trình độ chuyên môn đến lương tâm trong sáng và được mang danh là những nhà trí thức, được mọi người vì nể quý trọng. Nhưng tiếc rằng họ đã bỏ quên lương tâm là thứ mà bất cứ một con người nào từ anh vô học đến anh “đại trí thức” đều phải có mới xứng đáng làm người.

Trong tuần vừa qua, cả nước rộ lên nguồn tin về những sai phạm hay nói thẳng ra là những vụ “ăn bẩn” của các ông chủ chốt tại hai bệnh viện lớn nhất thành phố Sài Gòn là Bệnh Viện Bình Dân Bệnh Viện Chấn Thương – Chỉnh Hình. Nói đến 2 bệnh viện (BV) này hầu như toàn bộ người dân miền Nam VN không ai không biết và may mắn lắm mới có gia đình chưa có ai phải qua hai BV lớn đó.



Nói thẳng ra, lâu nay đa số người dân đã có những bàn tán, kêu ca, nghi ngờ về sự phục vụ và cách “kiếm tiền” của các vị bác sĩ ở từng khoa trong 2 BV này, tất nhiên nói như thế không phải là tất cả các vị BS đều mang tiếng xấu, có chăng người tốt bị vạ lây. Chỉ cần vài ông thiếu lương tâm là người ta có thể nói đến cả cái BV đó rồi.

Nhưng trước khi tường thuật những chuyện động trời vừa được công bố của 2 BV lớn này, mời bạn đọc xem qua những chuyện “nhỏ” nhưng rất lạ, rất quái đản, tôi tin rằng các bạn khó có thể hình dung ra nổi. Mà nếu có ai kể lại, bạn có thể nghi anh ta “phịa” hoặc thứ chuyện khôi hài, bịa đặt với mục đích hay ác ý nào đó, chứ không thể có thật. Đây là những chuyện có thật 100% xảy ra trong những ngày tháng gần đây.

1 Sản phụ và chồng suýt tự vẫn vì BV thông báo nhầm nhiễm HIV

Theo lời kể của bà Phạm Thị Hương (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa), rạng sáng ngày 23/8/2013, con gái bà là chị Lê Thị Oanh (21 tuổi) có dấu hiệu chuyển dạ nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa chờ sinh. Bác sĩ đưa chị Oanh đi khám, lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có thử nghiệm máu.

Chị Oanh vừa sinh xong thì gia đình nhận được hung tin, chị dương tính với HIV.

Bà Hương kể: “Nhận tờ kết quả xét nghiệm của con gái từ nữ y tá, tôi như chết lặng rồi òa khóc. Dù rất hoang mang nhưng chúng tôi cố trấn tĩnh không để con gái biết chuyện vì sợ cháu bị sốc mà nghĩ quẩn.”


Gia đình sản phụ Oanh trao đổi với GĐ Bệnh viện thành phố Thanh Hóa.

Các bác sĩ cũng bàn tán khiến mọi người xa lánh 

Nhưng theo bà Hương, câu chuyện con gái bà bị nhiễm căn bệnh thế kỷ được các y bác sĩ trong bệnh viện bàn tán khắp nơi. Thậm chí nhiều bệnh nhân cùng phòng biết chuyện nên tìm cách xa lánh, khiến sau đó mọi chuyện đến tai chị Oanh.

Bà Hương tâm sự: “Con gái tôi từ khi biết tin mình bị nhiễm HIV cứ một mực đòi cắn lưỡi mà chết. Gia đình phải thường xuyên cử người túc trực bên giường bệnh để an ủi, khuyên giải. Mất nhiều ngày, cháu nó mới bình tâm trở lại nhưng tỏ ra rất đau đớn vì án tử lơ lửng trên đầu.” Bà cho biết các bác sĩ đề nghị gia đình đem nhau thai về chôn, để ở viện sẽ làm ô nhiễm và tăng nguy cơ lây bệnh.

 
Trước tình trạng bệnh nhân có dấu hiệu ra nhiều máu, sức khỏe xấu đi, phần vì không tin kết quả xét nghiệm của Bệnh Viện Đa Khoa thành phố Thanh Hóa nên người nhà đã chuyển chị Oanh đến Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa để theo dõi đồng thời lấy máu đi xét nghiệm lại. 

Xét nghiệm lầm 

Tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, qua hai lần xét nghiệm, kết quả đều khẳng định, bệnh nhân Lê Thị Oanh âm tính với HIV.




Anh Trọng chồng chị Oanh nói lúc đó tôi chỉ nghĩ đến việc đưa vợ con ra sông tự tử

Trong tâm trạng rối bời, anh Lê Duy Trọng, chồng chị Oanh cho biết, những ngày qua, gia đình sống trong không khí vô cùng nặng nề. Anh Trọng nói, “Mấy bữa trước, trong đầu tôi cứ lởn vởn ý nghĩ sẽ đưa vợ con ra sông tự tử vì cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì. Hai bên nội ngoại và bạn bè đều nhìn vợ chồng chúng tôi với một cái nhìn ghẻ lạnh. Đi đâu tôi cũng nghe bàn tán về chuyện tai ương nhà mình, thật không tài nào chịu đựng nổi.”

"Chỉ là sai sót nhỏ"?. 

Trả lời báo chí về việc này, chiều 27/8, ông Lê Tiến Toàn, giám đốc Bệnh Viện Đa Khoa thành phố Thanh Hóa cho rằng đây là sơ suất đáng tiếc của nhân viên bệnh viện. Tuy nhiên ông này khẳng định đó “chỉ là sai sót nhỏ,” sẽ chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.



Ông Lê Tiến Toàn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa cho rằng đây là...... “sai sót nhỏ”

Khi được đề cập việc bồi thường cho chị Oanh, bác sĩ Toàn cho rằng, “Hiện nay bệnh viện không có cơ chế bồi thường thiệt hại trong trường hợp chị Oanh. Việc bồi thường về vật chất thì không bởi bệnh viện không có kinh phí.”

Thưa bạn đọc, bạn có thể ngờ được chuyện đó lại xảy ra trong một BV cấp tỉnh. Và hơn thế ông giám đốc BV lại cho rằng “chỉ là sai sót nhỏ.” Vậy thế nào mới là sai sót lớn? Có lẽ là khi cả 2 vợ chồng anh Trọng, chị Oanh và cháu nhỏ cùng ôm nhau nhảy xuống sông tự vẫn mới là lớn? Câu trả lời vô trách nhiệm như thế thì BV ấy còn dẫn đến nhiều “sai sót nhỏ” nữa. Chưa biết chừng đã từ lâu, những sai sót này xảy ra nhưng người bệnh không biết hoặc chết rồi, không lên tiếng được nữa. Họ chỉ còn cách đợi các ông BS này ở đầu con đường đến địa ngục ở thế giới bên kia. 

2. Gãy chân phải, bác sĩ bó bột chân trái 

Câu chuyện thứ hai cũng ly kỳ không kém, có lẽ chỉ có ở VN mới làm được.

Anh Trần Văn Hợi (bố cháu Thạch) bị bệnh đang điều trị nên ngày 17/5, chị Phạm Thị Ca (mẹ cháu Thạch) đã nhờ người thân chở cháu Thạch đến Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn điều trị. Sau khi chụp X - Quang và làm các thủ tục gây tê, cháu Thạch được bó bột điều trị. Người trực tiếp điều trị cho cháu Thạch là bác sỹ chuyên khoa Trần Xuân Hạnh, Trưởng Khoa ngoại của bệnh viện.




Cháu Thạch gãy chân phải, bác sĩ bó bột chân trái

Sau khi bó bột xong, cháu Thạch được xuất viện, chuyển về gia đình điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, khi về đến nhà, cháu Thạch hết thuốc tê nên kêu khóc ầm ĩ. Lúc này, chị Ca mới phát hiện ra sự việc, bác sỹ đã bó bột và điều trị nhầm chân cho con trai mình. Chân phải của cháu bị gãy nhưng bột lại bó ở chân trái. Lúc này, chị Ca chở con ra bệnh viện gặp lại bác sỹ. BS Hạnh đã thừa nhận lỗi “cẩu thả” và mong gia đình thông cảm. BS này lý giải, vì do vội vàng chuẩn bị cho một ca mổ sinh nên dẫn đến sơ suất. 

3. Vỡ xương tay phải, bó bột tay trái 

Anh Trần Ngọc Thạch (25 tuổi) ở phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi cho biết, ngày 26-9, anh bị tai nạn, chụp phim bị vỡ xương thuyền tay phải và nhập viện điều trị tại Khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi.

Thay vì bó bột tay phải, nhưng kỹ thuật viên bệnh viện lại bó bột tay trái. Sau đó bác sĩ khoa kiểm tra lại thấy anh Thạch bị bó nhầm nên đã chỉ định bó lại tay phải, nhưng nhân viên khoa này không chịu tháo bột tay trái bị bó nhầm cho anh Thạch mà cứ để luôn vậy. Thật khó hiểu!

Anh Trần Ngọc Thạch bị bó bột nhầm tay

Chỉ cần đọc ba “chuyện vặt” đó trong các BV ở VN, chắc chắn bạn đọc đã có thể hình dung ra được những nguy hiểm chết người rình rập đủ mọi loại bệnh nhân bởi sự “sai sót nhỏ” của các vị “lương y như từ mẫu” là thế nào. Nhưng những chuyện như vậy còn là “hạng nhẹ.” Có nhiều chuyện nặng nề hơn, cả một tập đoàn “lãnh đạo” ở một số BV VN bất chấp tính mạng của bệnh nhân, vơ vét cho đầy túi tham. Gần đây đã có nhiều vụ được chính các nhân viên làm việc trong BV tố cáo, lúc đó “cơ quan chức năng” mới biết vào cuộc điều tra. Sau vụ tai tiếng rùm trời về vụ nhân bản giấy xét nghiệm tại BV Hoài Đức Hà Nội, lại đến vụ tráo đổi thủy tinh thể tại BV mắt Hà Nội cũng khiến dư luận của người dân VN vô cùng phẫn nộ. 

4 Vụ đánh tráo thủy tinh thể 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thủy (làm việc tại BV Mắt Hà Nội), đã tố cáo BV này với 7 điểm khuất tất hay có thể gọi thẳng là gian lận. Ở đây, tôi chỉ tóm tắt một nội dung chính là việc BV này đã tráo đổi thủy tinh thể cho bệnh nhân đến mổ mắt kiếm lời bất chính nhiều tỉ đồng.

Từ năm 2011, BV Mắt HN đã mổ cho khoảng 3.000 ca (giá mỗi ca mổ khoảng 6.5 triệu đồng, chừng $308 Mỹ kim). Với số tiền này, lẽ ra người bệnh phải được dùng toàn bộ chất liệu của Mỹ. Nhưng trên thực tế, Giám đốc BV Vũ Thị Thanh đã cho đấu thầu các chất liệu rẻ tiền, từ dịch nhầy, đến thể thủy tinh nhân tạo để tráo đổi lúc phẫu thuật.

Mỗi ống dịch nhầy của Ấn Độ- 245,000 đồng /hộp (lẽ ra là của Mỹ- 600,000 đồng/ hộp), dùng cho một người bệnh, lại được chia ra, dùng cho 4-5 người bệnh (có khoảng 3,000 ca) bị tráo dịch nhầy. Chưa kể, trước khi mổ, bệnh nhân không được xét nghiệm HIV, viêm gan B, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Ước tính trong năm 2011, có khoảng 3,000 ca mổ với số tiền thu được là 6.5 triệu đồng/ca... (VietNamNet, ngày 27/09)

Sáng 6-10-2012, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức gặp gỡ báo chí chính thức thông tin về sự việc đánh tráo thủy tinh thể tại Bệnh viện (BV) Mắt Hà Nội. Buổi họp báo có sự tham gia của ông Phan Đăng Long, phó trưởng Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Hà Nội; Ban Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; đại diện BV Mắt Hà Nội và BV Mắt Trung ương. Bà Nguyễn Thu Hương - Phó Giám đốc BV Mắt Hà Nội: BV đã “thanh minh thanh nga” rằng không có sự đánh tráo thủy tinh thể trong khi phẫu thuật cho bệnh nhân. Đây là sự hiểu lầm và đây là lỗi về hành chính của phòng tài chính.... Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng đồng ý với lời thanh minh này. Tuy nhiên có vài câu hỏi của giới báo chí, bà Phó Giám đốc đã từ chối trả lời.
Một sự việc lạ lùng hơn, không cho người tố cáo đối chất.



BS Nguyễn Thị Thu Thủy người tố cáo BV mắt Hà Nội không được đối chất trong cuộc họp báo. Vì lý do gì? 
 Cũng trong buổi họp báo sáng 6-10, người tố cáo là BS Nguyễn Thị Thu Thủy đã liên lạc với Sở Y tế mong muốn được đối chất để nói lên sự thực, nhưng Sở Y tế từ chối. Nói với phóng viên, chị Thủy cho biết đã đợi nhiều giờ liền để được vào cuộc họp nhưng bảo vệ không cho vào, mặc dù có một số phóng viên bảo lãnh.

Nói với giới báo chí, bác sĩ Thủy tiếp tục khẳng định có sự gian lận, tráo đổi thủy tinh thể của BV Mắt Hà Nội đối với người bệnh chứ không phải là sự chỉ định phù hợp cho bệnh nhân như giải thích của lãnh đạo BV. BS Thủy rất phẫn nộ, “Đây là một sai phạm nghiêm trọng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và quyền lợi của người bệnh.” Không dám cho người tố cáo đối chất trước công luận, phải chăng BV đã run sợ, đã gián tiếp công nhận những sự thật như đơn tố cáo? Chưa biết vụ này có “qua sông đắm đò” không.

Nhưng bỏ qua những tai tiếng của mấy BV ở Hà Nội. Trong thời gian này, người dân TP Sài Gòn đang bàn tán rùm beng về những sai phạm tầy đình của hai BV lớn nhất TP và của cả miền Nam VN như tôi đã đề cập ở phần đầu bài. 

5 Sai phạm động trời tại hai bệnh viện lớn tại Sài Gòn 

Chiều ngày 7/10, lãnh đạo sở Y tế TP. Sài Gòn đã công bố kết luận chính thức thanh tra bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và bệnh viện Bình Dân.
Theo tường thuật của phóng viên Quốc Ngọc (báo Dân Việt), việc thanh tra được thực hiện sau khi có đơn tố cáo từ các bác sĩ làm việc tại đây bày tỏ sự bất bình trước tình trạng bệnh nhân bị “móc túi” hàng tỷ đồng mỗi năm, nhưng không một ai dám lên tiếng. 

Nhóm lợi ích tại Bệnh Viện Bình Dân 

Thanh tra Sở Y Tế TP Sài Gòn phát hiện hành loạt sai phạm trong việc liên doanh, liên kết với tư nhân bên ngoài nhằm đặt máy móc, thiết bị tại bệnh viện để thu lợi vào túi cá nhân hàng tỷ đồng.
Theo đó, mỗi bác sĩ khi chỉ định một bệnh nhân đi siêu âm, chụp X-quang... từ các máy liên doanh, liên kết này sẽ được hưởng 50,000 đồng, bác sĩ đọc kết quả hưởng 40,000 đồng.



Bệnh viện Bình dân nơi phát hiện hàng loạt sai phạm
Tất nhiên, một số thành viên ban giám đốc bệnh viện còn được hưởng số tiền chênh lệch lớn từ sự liên kết đặt máy này. Cụ thể “nhóm lợi ích” (hay nói cho rõ hơn đó là nhóm tham nhũng) gồm bác sĩ Nguyễn Chí Hùng - Giám đốc mới về hưu của Bệnh viện Bình Dân - được hơn 1,16 tỷ đồng, BS Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Giám đốc bệnh viện - được hơn 723 triệu đồng, BS Vũ Lê Chuyên - Phó Giám đốc bệnh viện - được hơn 415 triệu đồng, bà Trần Thị Xuyến - Trưởng phòng Tài chính - được hơn 531 triệu đồng và BS Hoàng Vĩnh Chúc - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - được hơn 254 triệu đồng.

Bệnh viện vi phạm mua sắm trang thiết bị y tế không qua đấu thầu, gây lãng phí 53.7 tỷ đồng. Mua 2 máy tiệt khuẩn nhiệt độ thấp và 2 máy cắt đốt nội soi u xơ tiền liệt tuyến nhưng để “trùm mền” không sử dụng được, gây lãng phí hơn 1.7 tỉ đồng. (1 tỉ đồng VN tương đương $47,500 Mỹ kim).

Ngoài các sai phạm trên, Bệnh Viện Bình Dân còn thực hiện không đúng quy trình tuyển dụng lao động theo Bộ Luật Lao động; cho thuê chỗ làm bãi giữ xe, căng tin, đặt máy ATM, nhà vệ sinh, máy photocopy đều không có căn cứ pháp lý, đấu thầu; vi phạm về công tác đấu thầu, cung ứng thuốc; vi phạm công tác thực hiện quy chế chuyên môn trong khám chữa bệnh và công tác phòng, chống tham nhũng.

Thanh tra Sở Y Tế đã đề nghị thu hồi số tiền gần 3.4 tỷ đồng sai phạm nộp ngân sách Nhà nước, yêu cầu bệnh viện chấn chỉnh hoạt động, xem xét tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm các cá nhân đã có sai phạm trong kết luận thanh tra.

Ăn phim X-quang, ép bệnh nhân mổ dịch vụ

Tại Bệnh Viện Chấn Thương Chỉnh Hình, qua kiểm tra 32,033 phim chụp X-quang trong các tháng 10-2010, tháng 10-2011 và tháng 6-2012, Thanh tra Sở Y tế TP Sài Gòn phát hiện có đến 6.688 phim sai, phim cắt xén để hưởng phần chênh lệch vật tư tiêu hao.



Bệnh nhân ngồi chờ đợi tại BV Chấn thương chỉnh hình 
Cụ thể, khi có bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang loại phim A (kích thước 35 x 43 cm) thì kỹ thuật viên sẽ phù phép cắt đôi phim khi chụp, cho ra hình ảnh X-quang với tấm phim chỉ còn kích thước 35 x 21,5 cm.

Ngoài “chiêu” cắt xén, kỹ thuật viên còn dùng thêm thủ thuật tráo đổi phim, bằng cách sử dụng phim B (kích thước 26 x 36 cm) có đơn giá 23,000 đồng/tấm thay cho loại phim A có đơn giá 42,000 đồng/tấm. Qua kiểm tra 1.126 phim chụp cho bệnh nhân ngoại trú còn lưu trữ trong tháng 10,2011, thanh tra phát hiện có 444 trường hợp đổi phim A thành B, chiếm tỉ lệ hơn 39,4%.

Bằng các thủ đoạn cắt xén, tráo đổi và ghép phim X-quang như trên, nhiều năm nay, một số cá nhân tại Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình đã “móc túi” nhiều tỷ đồng từ hàng chục ngàn bệnh nhân.

Theo Thanh tra Sở Y tế, ước tính số tiền sai lệch trên tổng số phim sử dụng hàng năm của bệnh viện là hơn 3.3 tỷ đồng. Riêng trong 5 tháng cuối năm 2011, việc cắt, ghép phim tạo ra số lượng “phim thừa” là 12,630 phim, tương đương gần 320 triệu đồng.



6.688 tờ phim "mang tội gian lận" bị thanh tra Sở tạm giữ 
Do còn có những sai phạm chưa có cơ sở làm rõ, Thanh tra Sở Y tế đã đề nghị chuyển hồ sơ Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình cho Thanh tra TP Sài Gòn tiếp tục thanh tra toàn diện bệnh viện này.

Một loạt sai phạm ở Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn

Bên cạnh 2 “ông lớn,” một BV nhỏ hơn là BV Nguyễn Tri Phương, Thanh tra Sở Y tế cũng xác định tình trạng gian lận phim xảy ra tại bệnh viện này. Có 2 bác sĩ gây ra “vụ việc tiêu cực” này đã phải bồi hoàn hơn 600 triệu đồng và đã nộp đơn xin nghỉ việc. (Rất tiếc tên tuổi của 2 vị bác sĩ “khả kính” này chưa được tiết lộ).



Nguồn tin mới nhất còn cho biết: Chỉ định mổ dịch vụ những bệnh nhân cấp cứu, các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, còn bị cho là đã "rút ruột" hàng chục ngàn tấm phim để hưởng lợi.

Ngoài việc “ăn” 18,000 tấm phim, đến tháng 7/2012, khoa chẩn đoán hình ảnh còn bị Ban giám đốc bệnh viện phát hiện đã “rút ruột” 135 lọ thuốc cản quang.

Thanh tra TP Sài Gòn còn phát hiện bệnh viện này có tình trạng “nhập nhằng” giữa điều trị dịch vụ và điều trị công. Bệnh viện này đã thực hiện hoạt động dịch vụ "cả trong và ngoài giờ hành chính,” bác sĩ vừa hưởng lương nhà nước vừa hưởng tiền công từ điều trị dịch vụ. Trong đó, tỷ lệ điều trị dịch vụ năm 2011 chiếm hơn 53%, năm 2012 khoảng 47% tổng số ca phẫu thuật thủ thuật toàn bệnh viện (cả trong và ngoài giờ hành chính).

Qua các vụ việc xảy ra tại các bệnh viện trên, Thanh tra Sở Y tế cho biết sẽ có kế hoạch tiếp tục thanh tra toàn diện các bệnh viện tại TP.Sài Gòn trong thời gian tới nhằm chấn chỉnh hoạt động tại các đơn vị này. 

Hãy chờ những cuộc thanh tra tiếp theo 

Hiện Thanh tra Chính phủ đang hoàn thiện kết luận 20 cuộc thanh tra nữa. Trong đó có các tập đoàn, các ngân hàng như: Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Cao Su Việt Nam (VRG); thanh tra tại Ngân Hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (Agribank) và nhiều cuộc thanh tra khác đang được thực hiện.

Hãy chờ đợi những cuộc thanh tra này đưa dẫn tới đâu và những “quan lớn” nào sẽ bị vạch mặt chỉ tên cho nhân dân cả nước được biết. Người dân rất muốn biết những vấn đề cụ thể như ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ Giao Thông Vận tải đã nâng khống số tiền mua ụ nổi để tham ô 1,6 triệu USD. Ngoài ra, ông Dương Chí Dũng bỏ túi 10 tỷ đồng trong thương vụ “béo bở” hơn. Đó là vụ mua u nổi cũ, 43 năm tuổi có giá thực tế hơn 2 triệu USD nhưng ông Dương Chí Dũng vẫn đồng ý mua với giá gấp gần 10 lần, bỏ túi hơn 10 tỷ đồng do bên môi giới “lại quả.” Việc làm của ông Dũng gây thiệt hại cho nhà nước hơn 300 tỷ đồng.



Lần theo số tiền này, cơ quan điều tra phát hiện Dương Chí Dũng đã sử dụng số tiền tham ô để mua nhà cho “bồ nhí,” người đã có con riêng với Dương Chí Dũng, 2 căn nhà, một căn tại tầng 29 tòa tháp B, tòa nhà Skycity, Láng Hạ, Hà Nội; một căn tại tòa nhà Pacific, Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Nếu tính theo giá bán căn nhà cao cấp này trên thị trường, giá trị tài sản lên đến khoảng gần 17,4 tỷ đồng. Rất có thể hai căn nhà này sẽ bị phong tỏa kê biên. (Tôi sẽ tường thuật chi tiết vụ tham nhũng “vĩ đại” và chạy trốn rất bài bản này trong một bài khác).

Đó là điều cụ thể mà người dân muốn biết và có quyền được biết. Người dân lúc này không còn muốn nghe “một bộ phận cán bộ tham nhũng” hoặc một “một số nơi, một số địa phương yếu kém,” nói theo kiểu “huề cả làng.” 
Bài viết theo văn phong Văn Quang

Những chuyến ngao du - (KỲ 14: Ai đi Tây Nguyên gọi mình với nhé!)





Tiếp theo kỳ 13:

Tôi hay đi đó đây đến một vùng đất nào cũng là để ngao du, để tri âm với bạn bè xa cách, là cách thỏa mãn sở thích của chính mình. Hơn nữa đi đâu tôi cũng muốn trắc nghiệm cuộc sống một cách hiện thực và sinh động bằng trực quan. Đời người có va chạm, có biết điều này, điều khác trong sinh tồn rồi dẫu có khi cuộc sống lỡ bước hay tuyệt vọng, thành công hay hạnh phúc thì cũng đều mang đến cho tôi điều thỏa mãn….

Như một điềm buồn, có thể đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp lại, tri âm với bạn bè cũ của chung, sau hơn hai mươi năm xa cách, cũng là lần cuối chúng tôi có bên nhau. Đi và ghi chép tôi đã viết được 3 kỳ những kỷ niệm chúng tôi có nhau ở Tây Nguyên, những cuộc gặp gỡ cùng bạn bè với biết bao niềm vui.

Ở đời có tình bạn nào đẹp hơn, trước hôn nhân đôi bạn trẻ từng là bạn bè cùng học một trường Đại học, cùng quê. Cuộc sống có tình bạn nào quý hơn khi trong tình bạn ăm ắp hình ảnh những tháng ngày yêu thương thật đẹp. Họ lại từng là vợ chồng với nhau, đầu ấp tay gối và dâng hiến với nhau tận cùng cảm xúc. Không còn gì cả! Họa chăng chỉ còn Cát chết!. Dẫu nỗi buồn sẽ không dễ gì phôi phai, năm tháng còn lại là nỗi nhớ không nguôi... nhưng tôi xin post tiếp những gì chúng tôi từng có....

                       Bên nhau tại Quảng Trường Đại Đoàn Kết - Pleiku
KON TUM – MẶT TRỜI CHIẾU NGHIÊNG!

…..Tôi bỗng dưng nghêu ngao hát: “Thành phố buồn lắm tơ vương, cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn” , rồi phá lên cười nắc nẻ cho sự lãng mạn ngây ngô của mình trước việc con người mang văn hóa của mọi miền đất nước đến Măng Đen để đẻ ra văn hóa Tây Nguyên……

Tôi suy nghĩ mông lung, rồi hỏi ông bạn ngồi bên cạnh (người Kon Rẫy) về nguồn gốc từ Măng Đen, sao tên gọi đọc không gần giống với nhiều địa danh ở tỉnh Kon Tum như Kon Rẫy hay Konplong. Dù hơi mệt, nhưng ông ta đã chậm rãi giải thích cho tôi: “Măng Đen là tên một địa danh mà người kinh đọc chệch ra từ tên địa danh T’Măng Deeng của người M’Nâm. Tiếng M’Nâm, từ T’Măng có nghĩa là: ở nơi hoặc vùng; Deeng có nghĩa là bằng phẳng và rộng lớn. Vậy T’Măng Deeng dịch ra tiếng kinh có nghĩa là ở nơi bằng phẳng, rộng lớn (bãi bằng). T’Măng Deeng có từ rất lâu đời, gắn với truyền thuyết huyền thoại của dân tộc M’Nâm”.

Từ Măng Đen chúng tôi ngược về Kon Rẫy chỉ có hơn 20 km, nhưng ngồi trên ô tô, tôi nhẩm tính cung đường này có đến …52 khúc cua!. Đường khá tốt nên khi chiếc xe phóng nhanh hơn lúc trèo đèo Violac và liên tục bẻ chặt những khúc cua làm mọi người trên xe đều mệt nhòa và buồn nôn vì phải luôn ở trong trạng thái chao đảo, ngã nghiêng. Là một người “trường kỳ” với những chuyến xe ngược xuôi đến nhiều vùng miền đât nước, nên tôi vẫn khỏe và cảm nhận được tất cả những gì đã thực sự sinh sôi ở mảnh đất vùng núi này.

Ngày xưa, khi người Pháp đến Tây Nguyên trồng cao su và khai thát tài nguyên mang về chính quốc, họ vẫn luôn cho đây là vùng khép kín, biệt lập, ngưng trệ và bảo thủ. Nhưng sau những phát hiện khảo cổ tại nhiều vùng ở Kon Tum như ở Lung leng, ở Konplong v.v.v thì luận điểm ấy cũng như nhiều giả thuyết khác của lịch sử đã bị đổ nhào. Với những “chứng cứ” khai quật được thì ra địa bàn này là một trung tâm văn hóa thời tiền sử, không những mở rộng giao lưu với các nhóm cư dân khác mà còn bảo vệ được bản sắc văn hóa của mình. Đó là những là những vết tích công cụ ghè đẽo trong lớp đất Laterite ở Lung Leng đã gợi nhiều người nhớ lại công cụ của cư dân hậu kỳ đá cũ được tìm thấy tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam, tiêu biểu cho nền văn hóa Sơn Vi có niên đại từ 20.000- 30.000 năm. Hay loại di tích được tìm thấy tại Kon Tum người ta cũng đã tìm thấy tại làng Vạc (Nghệ An), nơi mà lớp văn hóa là khu mộ táng Đông Sơn….

Còn ngày nay, khi đi và chứng kiến nhà cửa cư dân hai bên đường từ Măng Đen về Kon Tum, tôi nghĩ, nếu ai đó như DH của tôi lần đầu tiên biết nơi này thì mọi ý nghĩa như người Pháp từng nghĩ cũng sẽ bị đảo lộn. Nhà cửa của người dân tộc M’Nâm được xây cất khang trang. Hình như ngày nay các nền văn hóa đã được người dân tộc thiểu số giao lưu, như ngay tại điểm đầu bước vào huyện Kon Rẫy, một cô bé M’Nâmđón xe chúng tôi để về thành phố Kon Tum. Lên xe, cô bé ấy ngồi chung với chúng tôi cùng một dãy ghế, nếu chỉ nhìn cách ăn vận mà không nghe giọng nói thì chắc chắn ai cũng nghĩ đó là một cô bé người Kinh sành điệu.


     Cùng với bạn bè khi xưa học cùng trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng
Chiếc xe chúng tôi chạy mải miết, nhìn hình ảnh có nhiều người ngược xuôi trên đường tỉnh lộ 24 như có vẻ xe đã chạy gần về đến thành phố. Đến 2 giờ chiều, chúng tôi bắt đầu chạm “cổng chào” thành phố Kon Tum. Bước vào thành phố Kon Tum, con đường dẫn Phan Đình Phùng chúng tôi đi thẳng tắp, rộng lớn đến 3 làn xe, không sầm uất, ồn ào như ở nhiều thành phố lớn khác. Song khi chiếc xe chạy đều đều, chậm chậm, trôi qua ô cửa xe là những ngôi nhà 2, 3 tầng với lối kiến trúc hiện đại, khang trang. Nhìn những ngôi nhà đẹp nằm trên con đường này, tôi nghĩ, đó là thành quả của người dân Kon Tum sau bao nhiêu năm lao động vất vả và phấn đấu ngay từ ngày đầu Kon Tum tách ra khỏi Gia Lai năm 1992. Một quần thể nhiều ngôi nhà ngói mới hiện đại và mái lợp thời nay không mang trong mình một chút gì để gọi đây là dáng dấp một khu vực tô giới hay nhượng địa xa hoa, hào nhoáng, thế giới ăn chơi kiểu mới của tướng tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hoặc của Mỹ để lại trong quá trình xâm lược Việt Nam. Vậy là thấm thoắt đã hơn hai chục năm trôi qua, nay ước vọng nhảy vọt của người Kon Tum đã sắp thành hiện thực.

Khi đã nhận phòng khách sạn và tắm rửa vội xong, chúng tôi mượn xe Honda lượn một vòng quanh thành phố Kon Tum. Dạo một vòng quanh thành phố được mệnh danh là “Làng cổ bên dòng sông Đăkbla ”, đôi mắt tôi không bắt gặp được một công trình kiến trúc nào cho là khổng lồ. Thành phố không Buiding, không có một công trình kỳ vĩ, nhưng qua cách ăn vận của người dân lã lướt cùng với những chiếc xe máy đời mới ngược xuôi trên phố. Du khách lần đầu đến Kon Tum vẫn có thể khẳng định nền kinh tế ở đây đã thật sự phát triển, nhưng mang một phong cách Tây Nguyên đặc trưng. Còn so với những nơi khác ở Tây Nguyên, Kon Tum địa hình bằng phẳng, không chộn rộn, nhiều dân cư và được gọi là phố núi như Pleiku, không rộng lớn và hiện đại như Buôn Ma Thuộc. Kon Tum xưa nay vẫn như một cô gái dịu dàng, đằm thắm, quý lắm nhưng cha mẹ cũng phải đành cho ra riêng cách đây hơn hai chục năm.

Về khách sạn đã hơn 10 giờ khuya, nhưng chúng tôi chưa ngủ vội, xách ghế ra ngồi nhìn bầu trời đầy sao. Nhớ những lần đi du lịch đó đây, chúng tôi không bao giờ đi ngủ sớm. Như lần ở Cù Lao Chàm lần trước, mười giờ đêm, tôi cùng DH dắt tay nhau đi ra cầu cảng. Giờ ấy hình như người dân vùng đảo nhỏ đã ngủ say. Hôm đó biển thật hiền, những con sóng nhỏ cứ lăn tăn vỗ nhẹ vào ghềnh đá dưới chân cầu. Ngồi trên phiếm đá ngắm biển, chúng tôi thật hạnh phúc ngắm bầu trời bình yên. Và mỗi chúng tôi, ai cũng được hít đầy vào lồng ngực vị tinh khiết của biển. Biển vắng mang cõi hồn chúng tôi đi lang thang trong khi bàn tay hai đứa nắm chặt để cảm ơn đất trời, cảm ơn cái chất lãng du của mỗi người đã đưa đẩy chúng tôi đến một khung cảnh đẹp và lãng mạn như thế này! Một đêm thật khó quên trong đời, tôi đã ôm hôn em ngây ngất giữa biển trời đầy sao !

Còn hôm nay, mùa đông miền Trung đang mưa phùn, gió bão, rồi cũng đến ngày người người sẽ thấm gió bấc từng cơn. Nhưng ngược lại, Kon Tum mùa này là mùa ấm áp nhất trong năm. Trời về khuya, thấy có chút gió se se lạnh, tôi khoác thêm cho mình chỉ một chiếc áo mỏng là đã nghe trong lòng người thật dễ chịu. Chúng tôi ngồi bên nhau như một cặp tình nhân, hình như đã khuya, DH khép vào lồng ngực tôi thỏ thẻ: "Khí hậu Kon Tum tuyệt quá anh nhỉ!?". Rất đúng, đông về, ai đi Tây Nguyên gọi tui mình với nhé! Để cho chúng tôi cùng hưởng một chút vàng của nắng, một chút khí thiêng của núi rừng về đêm lành lạnh..... Còn ban ngày, vòm trời trong xanh như viên ngọc. Hình như mặt trời luôn luôn chiếu nghiêng!.
                                           Những người bạn năm xưa!

 ẨM THỰC VÀ LY CAFÉ TÂY NGUYÊN

Kon Tum sớm mai, khi mặt trời bắt đầu ló dạng, ngọn cỏ bên đường ướt át, mềm mại bởi sương đêm. Dường như cây lá xanh hơn dưới ánh mặt trời vừa mới ửng hồng, nhìn mọi vật, tôi có cảm tưởng như báo hiệu tiếp một ngày cũng như mọi ngày mùa đông, nắng đẹp buông rãi đều khắp mọi buôn làng Tây Nguyên!.

Không khí ngoài trời rất dễ chịu, tôi xách xe Honda dạo một vòng quanh thành phố, nhân tiện cũng để kiếm cái gì bỏ bụng. Cuối cùng, chúng tôi bắt gặp một quán ăn đang rất đông thực khách và sạch sẽ. Hơn nữa, tấm biển quảng cáo đặt trước thềm hiên: “Phở - Cơm Tấm” đã níu chân tôi không cho đi tiếp. “Phở- Cơm tấm”, đó là những món ăn sáng mà tôi rất thích sau mấy chục năm sinh sống giữa đất Sài thành. Người Sài Gòn dù có đi Đông, đi Tây cũng ít khi nào gặp ăn được một bát phở như tại Sài Gòn chính gốc. Phở thơm lừng mùi ngò gai, ăn một miếng là nghe hồn quốc túy. Khi bước vào trong quán, thoáng nhìn người ngồi bàn bên cạnh đang ăn món phở khô trông gần giống với hủ tiếu Nam Vang của người miền Nam, hơi ái ngại nên tôi gọi món “Cơm Tấm sườn nướng”. Liếc mắt nhìn món “Cơm Tấm” chị chủ quán gắp, xới vào đĩa để chuẩn bị bê ra cho chúng tôi: Hạt cơm hình như không được nấu bằng gạo tấm. Chị gắp một lát Tàu hủ chiên, một ít đồ xào linh tinh, một miếng sườn đã nướng từ khi nào chẳng rõ và cộng thêm một lát chả trứng chiên. Rồi tiếp là một chén canh rau như cơm bình dân dành cho buổi trưa chiều ở mọi miền đất nước. Một thoáng ngỡ ngàng cho sự khác lạ cho món cơm tấm tại đây, tôi nhanh miệng đổi lại một bát phở, một đĩa cơm tấm cho hai người chúng tôi. “Nhanh trí” vậy cũng chỉ để là “chữa cháy” chuyện đã lỡ và muốn nếm thử hương vị ăn sáng ở Tây Nguyên, chứ tôi đoán chắc không thể nào hợp khẩu vị.

Bây giờ ngồi ghi loạt bài ghi nhận này, tôi không nói món ăn sáng ở Tây Nguyên ngon hay dỡ, hay nếu so sánh ẩm thực giữa miền này và miền khác cũng là điều khập khiễng. Nhưng sau khi ăn sáng tại Kon Tum, tôi lại càng nhớ và yêu món phở, món cơm tấm có gốc bự ở Sài Gòn nhiều hơn. Ẩm thực là nét văn hóa lâu đời khó thể thay đổi, trong khi đi du lịch vài ba ngày thì vấn đề này cũng là chuyện nhỏ.Còn đặc sản của Tây Nguyên? Ở đây phải nói có rất nhiều "của ngon, vật lạ", tôi sẽ đề cập trong kỳ sau.
       Cafe Adam nằm trên đường Phan Chu Trinh - Kon Tum
Tôi có một anh bạn, khi đi Tây Nguyên về hài hước: "Nều lên trên đó mà không đi uống Cafe là ....mất nửa cuộc đời!". Riêng tôi nhiều lần lên Kon Tum chơi thắm thú, tôi biết người dân Kon Tum nói riêng hay Tây Nguyên nói chung vốn rất sành về cà phê, cái gu thưởng thức của họ cũng rất đặc biệt, nó trở thành sắc độ văn hóa ẩm thực độc đáo. Ngay cả cái quán bình dân cũng phảng phất một phong cách Tây Nguyên. Người dân ở đây uống café thuộc số đông so với nhiều vùng miền khác. Họ có thể uống cà phê: sáng-trưa-chiều-tối, khi buồn, vui, suy tư, căng thẳng hay chỉ vì thói quen không thể bỏ, nhưng không phải loại cafe nào cũng có thể được chấp nhận hoàn toàn. Còn một điều đặc biệt nữa là hầu như các thành phố ở Tây Nguyên không có café hẽm như Sài Gòn hay những thành phố khác.

Nói đến café Tây Nguyên tôi cũng xin vòng vo đôi chút. Người dân Tây Nguyên uống cafe không chỉ là thói quen ưa thích mà đây còn là nét văn hóa đặc biệt đầy tinh tế, cá tính của mỗi người. Và hình như thức uống này đã thâm trầm mê hoặc cả một vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Cách thưởng thức cà phê của người Tây Nguyên thường không đòi hỏi lượng cà phê trong ly phải nhiều và cách uống thì luôn chậm rãi, nhấp từng hớp nhỏ để cảm nhận. Tôi may mắn được đi nhiều nơi và thưởng thức cà phê tại nhiều vùng khác nhau, nhưng khi so sánh tôi có thể khẳng định rằng không đâu cà phê ngon như ở Tây Nguyên. Cũng với những sản phẩm cà phê đó nhưng mỗi nơi có mỗi cách thưởng thức, pha chế khác nhau, như các tỉnh phía Bắc lại thích uống cà phê có vị đắng chát, loãng và ít quan tâm đến mùi vị tự nhiên, miền Trung thì lại ưa chuộng độ sánh, ngậy và khét, còn văn hóa uống cà phê của người miền Nam thì thích loãng, nhạt, số lượng cà phê nhiều và ít độ béo. Còn riêng thành phố Kon Tum tôi rất thích và hợp với gu cà phê nơi đây. Ăn sáng xong, chúng tôi cùng một vài người bạn đang làm việc tại thành phố này kéo nhau đi cafe A -Dam nằm trên đường Phan Chu Trinh.

Bước vào quán nằm ngay giữa thành phố, nhưng tôi có cảm tưởng đứng giữa buôn làng thâm u mang đậm nét Tây Nguyên. Nhìn những chậu phong lan rừng tinh khiết, những cây giây leo bám rễ trên thân cây độc mộc xù xì, lòa xòa thả lơi những nhánh kiêu sa. Tất cả từng chi tiết đã mê hoặc tôi như một vũ điệu tuyệt luân giữa thiên nhiên hoang dại. Đẹp quá! Hai chúng tôi, mỗi người cứ để tự nhiên cảm xúc của mình trào dâng giữa một khoảng lặng không thanh âm. Và cảm giác tĩnh yên sâu lắng trong tâm hồn. 

Đến Kon Tum, khi ai đó đã thưởng thức Cafe tại quán này rồi, tôi nghĩ nếu đến nơi khác sẽ rất khó hài lòng và níu chân họ. Uống cafe ở quán Adam hôm ấy và một vài quán trong thời gian ở Kon Tum, chắc ai cũng đều nghĩ cafe là hình ảnh thu nhỏ của nếp sống văn hóa của người Kon Tum. Và nay cuộc sống đã tốt hơn nhiều nhưng người Tây Nguyên vẫn không ngừng vươn lên để tìm kiếm phồn vinh, hưởng thụ.....
(Còn nữa) Kỳ 15 : Tri âm - không là đó đây hay Đôi mắt Pleiku.
Andi Nguyễn Ánh Nhật




Nhà thơ PHAN TRƯỚC VIÊN ngày ấy....!


Kính hương hồn cậu ruột tôi. Thi sĩ PHAN TRƯỚC VIÊN

                         Di ảnh Thi sĩ PHAN TRƯỚC VIÊN
Phan Trước Viên – Tên thật là Nguyễn Công Chinh - Liệt sĩ, là nhà thơ của dân tộc, của Quảng Nam. Ông sinh ra và lớn lên tại Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam. Phan Trước Viên còn có một người em ruột Nguyễn Công Chiến từng là Chủ tịch Hội học sinh ,sinh viên tranh đấu trường Trần Cao Vân – Tam Kỳ trong những năm kháng chiến ác liệt 1965 -1967 và đã hy sinh anh dũng lúc ấy. 

Thi sĩ Phan trước Viên là người đã chấp bút lời hiệu triệu cho Ban binh vận Miền trung, trung bộ được đọc và phát trên Đài phát thanh Đà Nẵng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân – 1968.


Chiến tranh đã đi qua được 38 năm, một khoảng thời gian đủ dài để mọi sự trở nên bình thường, nổi đau và mất mát nào rồi con người cũng đã nguôi ngoai, chấp nhận. Nỗi buồn chiến tranh?. Bây giờ ta chỉ còn nhìn bằng những trải nghiệm cuộc sống chứ không tái hiện lại chiều kích đau thương để lại sau cuộc chiến. Đó là ta phục dựng lại hình ảnh của những con người không trực tiếp cầm súng, nhưng bằng ngòi bút, bằng sự chịu đựng và sức mạnh anh hùng đã thực sự làm nên thành công cho cuộc kháng chiến. Người đã truyền đi những khát vọng hòa bình của cả một dân tộc Việt Nam. 

Và trong bài viết ngắn này, tôi không thể phân tích chi tiết nghệ thuật làm thơ, 150 bài thơ của PHAN TRƯỚC VIÊN để lại. Mà đây tôi chỉ đề cập một khía cạnh nhỏ cuộc đời và sự nghiệp - "Phan Trước Viên ngày ấy" – Một nhà thơ đích thực, người chiến sĩ cách mạng, người con của đất Quảng đã mang trong người tình yêu chân thực đối với quê hương trong nổi uất ức phải phản đối, chống lại chiến tranh cùng cả toàn dân.

Thi sĩ Phan Trước Viên bắt đầu làm thơ từ rất sớm, năm lên mười, dù câu chữ chưa được gọt giũa, nhưng ông đã viết được những vần thơ hay về Bác Hồ - Nhân ngày sinh nhật 19-5
“Trán Bác rộng một trời cao mãi mãi, 
Da Bác nhăn vì dân tộc lầm than. 
Màu da ấy, màu pha trời đất 
Màu quê hương chồng chất từ lâu” 
(Mừng 19-5 Sinh nhật Bác) 

Đến khi PHAN TRƯỚC VIÊN trưởng thành cũng là lúc phong trào văn nghệ sinh viên học sinh toàn Miền Nam tranh đấu vì hòa bình, dân chủ, độc lập và thống nhất Tổ quốc trải rộng trên khắp nơi. Lúc ấy, Phan Trước Viên gần như là người có mặt thường xuyên trên những trang báo “không chính thống” của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Sinh viên Huế; Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ… Hay tuần san "Vùng lên" của Hội đồng Chỉ đạo Sinh viên Học sinh Sài Gòn (1964)

Thời bấy giờ, tuy tất cả những trang báo này in bằng bản roneo nhưng rất nổi tiếng và được nhiều người đọc hơn cả “Báo chính thống” công khai, được kiểm duyệt như Bách khoa, Văn, Văn học, Nghệ thuật, Văn nghệ Tiền phong . Và những chủ bút Tân Dân, Phổ thông, Bách Khoa đã không ngần ngại gọi thơ Phan Trước Viên –  là một “hiện tượng lạ” ở miền Nam với những bài thơ phản chiến và đanh thép. Trong cuộc kháng chiến của toàn dân, Phan Trước Viên cũng như những nhà thơ, nhạc sĩ khác đã đóng góp phần không nhỏ văn chương và nhạc cho cuộc chiến. Hơn nữa điều đó đã tạo được một giao diện phong phú cho thơ ca trong phong trào đấu tranh tại các đô thị miền Nam trước 1975, nhằm đòi hòa bình, thống nhất đất nước. 

Người ta thường nói rằng “sự dũng cảm của thi nhân là trung thực với những cảm xúc của chính mình”. Cũng như thế, Phan Trước Viên đã viết theo lẽ tự nhiên tuân theo cảm xúc chân thật của mình: 
“Quê hương ơi! 
Ngày mai thù tan xác 
Mai tôi về đất tổ bình yên 
Những bạn tôi xả thân ngoài trận mạc 
Đời ghi công và sử sách đề tên”
(Lời nguyền) 

Phan Trước Viên - Một chiến sĩ cách mạng rất giàu cảm xúc với tình yêu quê hương, trong thơ, ông thường mô tả một hiện thực cảnh bi đát và điêu tàn đích thực của làng mạc Việt Nam trong chiến tranh. Đọc thơ Phan Trước Viên ta cũng rất dễ tìm ra trong thơ luôn có nội dung tư tưởng sâu sắc và thể hiện ngôn từ phong phú, thấm thía như chạm vào những khoảng lặng của tâm hồn: 
“Những lau sậy cúi đầu trong giông tố 
Những cành rau run rẩy dưới mưa rào 
Càng chống đỡ chúng càng thêm đau khổ 
Đành âm thầm chịu đựng với trời cao” 
(Lau sậy) 

Với tình yêu quê hương của mình, thời ấy, bài thơ “Hai mươi” của Phan Trước Viên đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ toàn Miền Nam năm 1964. Một Giải thuởng VĂN HỌC lớn thời ấy đã cho ta một góc nhìn độc đáo, khác lạ của con người trong thời chiến tranh, đó là họ rất thực trong thái độ nhìn nhận và ứng xử trớ trêu. Cũng xin nói một điều rằng, tuy đạt Giải nhất cuộc thi nhưng đây không phải một bài thơ toàn bích mà đó là một bài vừa phản chiến, vừa “mô tả” hình ảnh con người bình thường trong chiến tranh qua từng góc độ và khía cạnh. Bài thơ có đoạn: 
“Anh ơi! 
Quê hương mình xương chất Hận sông Gianh 
Buồn Bến Hải ngàn năm thời hiện tại 
Anh ở đâu? 
Sao nụ cười hoang dại? 
Tôi là tôi ngàn năm mãi vẫn cười 
Say chếnh choáng mong địa cầu tan vỡ” 
(Tuổi hai mươi)

Đến năm 1966, Phan Trước Viên và nhiều đồng đội của mình bị địch bắt và đưa ra xét xử trước Tòa án Quân sự Đà Nẵng, nhưng được trắng án vì không có cơ sở buộc tội, cũng như gặp sự phản đối quyết liệt của sinh viên học sinh cùng các lực lượng tiến bộ ở Đà nẵng và miền Nam. Cũng trong thời gian này Phan Trước Viên đã viết: 
“Đến nay có những người nằm trong tù ngục 
Nhớ quê hương vời vợi muôn trùng 
Những người đi mang nợ núi sông 
Chân chưa mỏi nhưng phải dừng trong tù ngục” 
(Quảng Đà quê ta ơi !) 

Năm 1967 sau khi ra tù, thi sĩ Phan Trước Viên về tiếp tục hoạt động cách mạng bí mật trong tổ chức F210 của Ban binh vận Miền trung trung bộ và bị bắt đi quân dịch tại Trung đoàn 5 thuộc Sư đoàn 2 đóng tại Tuân Dưỡng – Quảng Nam. Trong thời gian tại đây nhà thơ đã viết: 
“Tôi là tôi đầu Ngô , mình Sở 
Phận con người viết mướn làm thuê 
Yêu văn chương 
Yêu sự thật của nghề nước mồ hôi tận tụy” 
Hay 
“Ta đã từng yêu từng sống 
Từng lao tù đày đọa tháng năm 
Từng đau thương, từng đọc sử ngàn năm 
Cần đạp đổ thành trì nô lệ” 
(Tuổi hai mươi) 

Việc trong lòng địch và làm thơ phản chiến đăng trên báo chí đã nói trên, cho thấy Phan Trước Viên đã vượt được qua “cánh cửa sắt” bằng một tư tưởng nhất quán, bằng một cây kim chỉ nam mà nhà thơ đã lấy làm định hướng xuyên suốt hành trình nghệ thuật của mình. Phan Trước Viên không chỉ bày tỏ thái độ không tán thành chiến tranh, mà chống lại chiến tranh bằng sự đồng cảm, chia sẻ với những con người đang phải gánh chịu những đau thương mất mát trong chiến tranh: 
“Anh về quê hương chiều cuối hạ 
Bãi vàng trắng chết trên sông
Con đò rách ven hàng dừa rũ lá 
Không một người qua nước bạc dòng” 
(Quê nhà) 

Tôi không phải là một người cùng thời với Phan Trước Viên, khi nhà thơ đi xa...., tôi chỉ mới vừa tròn một tuổi. Nhưng sau khi đọc những bài thơ Phan Trước Viên để lại, tôi mới hiểu rằng ông làm thơ thật phong phú thể loại. Mỗi bài thơ là một tình yêu quê hương, là nổi đau trong chiến tranh mất mát, là đời người cứ mong manh như một kiếp ve sầu: 
“Ta nhặt về đây những xác tàn 
Ve sầu chết giữa buổi thu sang 
Ai chôn một kiếp đời ngắn ngủi ?
Ai lượm dùm ta chiếc lá vàng?” 
(Thu) 

Và lần nữa, nhìn lại chiến tranh, ta có thể khẳng định sức sống, sức chiến đấu không thể phủ nhận của những con người làm nghệ thuật thời ấy. Phan Trước Viên đã dùng tài năng của mình để nói lên điều mà con tim muốn nói: 
“Ta kiêu hãnh chưa bao giờ khuất phục 
Dù những lần không tấc sắt trong tay 
Cũng có lúc gió mưa vùi sóng dập 
Cũng nhiều phen cam ngậm đắng nuốt cay” 
(Tiếng hát muôn đời) 

Đọc thơ Phan Trước Viên ta như sống lại một hiện thực lịch sử của những nhà thơ, nhà văn , nhà viết nhạc đã sống và chiến đấu ngay trong lòng địch. Họ đã bám trụ kiên cường, “đánh giặc” bằng những vần thơ thép, dẫu đó chỉ là bộc phát chưa có ai chỉ đạo "đường lối" văn học nghệ thuật. Thơ của họ có khi đó là những bài thơ với ngôn ngữ chân thật bằng sự chứng kiến trần trụi, khắc nghiệt của sự thật để cho mọi người hiểu được cái phi nghĩa, cũng như chính nghĩa của cuộc chiến và những bên tham chiến. Những ai từng đọc những vần thơ phản chiến từ những năm 1960-1975 đều thấy được, người làm thơ đã đau với nỗi đau chung của dân tộc, họ thao thức trăn trở, rung cảm đến tận đáy lòng bằng vần thơ.

Nhưng buồn thay, Phan Trước Viên - Số phận cũng như những người con của Miền Trung: Ngô Kha, Chu Cẩm Phong, Trần Quang Long, ông đã hy sinh khi tuổi đời tròn 27. Một độ tuổi sung sức nhất của một đời thơ, cũng như đời người còn tràn đầy niềm tin và biết bao dự định. Nhà thơ mất đi, đã để lại một gia sản hơn 150 bài thơ gồm những bài thơ phản chiền, tình yêu quê hương đất nước, thơ tình yêu lứa đôi. 

Phan Trước Viên đã hy sinh, thời gian mới đó, mới đây cũng gần 45 năm. Những đau thương mất mát trong chiến tranh khòi lửa cũng đã bao phủ lớp bụi thời gian, mọi chuyện ngày nay vẫn cứ diễn bình thường cho cuộc sống. Nhưng có một điều sự thật còn đọng lại mà không phải ai cũng có thể hiểu và cũng như đọc được những tập thơ của Phan Trước Viên – một ngôi sao sáng chói trên thi ca Việt Nam trong những năm khói lửa. Đó cũng là điều đáng tiếc nhất đối với Phan Trước Viên cũng như gia đình, người thân của nhà thơ. Theo tôi rất nhiều độc giả gần xa cả nước chưa biết đến Phan Trước Viên cũng vì nhiều nhẽ. 

Gia đình của thi sĩ Phan Trước Viên có bốn người đàn ông: Cha, Chú và Em đã anh dũng hy sinh - Liệt sĩ. Sau cuộc chiến, gia tài của thi sĩ còn cũng chỉ là bản thảo của những tập thơ, còn người thân ruột thịt là Mẹ, Chị và con nít (Mẹ của Phan Trước Viên- Bà Lê Thị Ấm là BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG). Khi Phan Trước Viên mất đi, những bản thảo của ông cũng mất nhiều. Tuy Phan Trước Viên vẫn còn nhiều bạn bè thân thiết như: Nhà thơ Nguyên Sa, Tường Linh, Nhà Văn Vũ Hạnh, Nữ văn sĩ Hà Khánh Linh (Nguyễn Khoa Như Ý) v.v.v nhưng không thể phổ biến thơ ông đến nhiều người đọc, bởi nhiều điều trong cái gọi là "chính trị" sau cuộc chiến. 

Với hơn 150 bài thơ phản chiến Phan Trước Viên đã sáng tác trong quãng đời ngắn ngủi, nhưng thơ ông cho đến nay chỉ được giới thiệu vài ba bài trên Báo Văn nghệ trẻ của Hội nhà văn Việt Nam, Báo Quảng Nam, Tạp chí Đất Quảng và in chung trong tuyển tập “Tiếng hát những người đi tới” (NXB Trẻ 1995) . Một tác phẩm đồ sộ của "Văn nghệ sĩ Liên khu V" đã được Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, khi còn sinh thời ông đã chấp bút cho đề tựa tuyển tập thơ, văn, nhạc, họa này và ông đã đánh giá đây là “Những bản hùng ca của dân tộc”. Còn trong tạp chí Đất Quảng, nhà thơ Đông Trình từng nhận xét: “Phan Trước Viên là một người anh, là một người thầy của chúng tôi, là một trí thức cách mạng và lãng mạn nên thơ của Phan Trước Viên luôn luôn là sự kết hợp tư tưởng yêu nước và tư tưởng hiện sinh…. “ 

Trong những năm sau này khi lớn lên, tôi vinh hạnh được gặp lại nữ văn sĩ nổi tiếng Hà Khánh Linh (Tên thật Nguyễn Khoa Như Ý) người yêu, người vợ sắp cưới của thi sĩ. Với Hà Khánh Linh và Phan Trước Viên, đó là một câu chuyện tình yêu đẹp, tình yêu cùng chung lý tưởng, cùng niềm giao cảm. Tình yêu của họ còn là tiếng gọi đàn giữa những tâm hồn đồng điệu, giữa những ngọn lửa nhiệt huyết trong chấp nhận và dấn thân. Họ lãng mạn đến và yêu nhau ngay từ những dòng thơ trao qua gởi lại, còn thêm nữa - Một câu chuyện tình yêu thiêng liêng và cảm động. Nhưng rồi họ mất nhau vì tù đày, vì chiến tranh chia cắt, khi còn sống Phan Trước Viên đã viết: 
“Anh sẽ đưa em về
Trên con đường cát bỏng 
Làng ta ven chân đê 
Lửa tràn qua thôn xóm 
Cơn mưa dài lê thê”
 hay 
“Dỗ dành em ngủ say 
Đừng hỏi gì anh nửa 
Ta còn đôi bàn tay 
Ta còn nguyên khối óc 
Là ta còn ngày mai…..” 
(Nếu chúng ta còn sống) 

Với tình yêu đôi lứa, trong thơ Phan Trước Viên luôn phảng phất hương vị lãng mạn và chia ly. Có thể Phan Trước Viên không có ý hướng làm một bài thơ mang nặng tính nhân bản. Nhưng với đất nước trong cảnh gian nguy, những vần thơ ấy đã thể hiện sự hy sinh vô bờ bến cho cuộc chiến tranh thần thánh mà tình yêu riêng tư luôn đặt nhẹ hơn. Phan Trước Viên đã viết: 
“Rồi em đi tôi không cầm lại được. 
Hỏi về đâu? Tôi chỉ thấy em buồn 
Tôi đưa em đến bên bờ ngõ hẹp 
Gió ban chiều rung mái tóc huyền buông” 
(Thế rồi ba năm sau) 

Do vậy, sau những gì đã lượt qua, chúng ta có thể nhìn nhận rằng Liệt sĩ Phan trước Viên là một thi nhân cách mạng – một thi nhân không ký thác, buông xuôi đời mình trong cuộc chiến và cũng không lãng đãng, phiêu bồng trong cõi nhân sinh mà thật sự trung kiên, bởi vì nhà thơ từng viết trên tạp chí "Phổ thông" thời ấy:
“Mỗi ngọn cỏ xanh, một niềm hy vọng 
Trên từng nắm xương liệt sĩ anh hùng 
Ta đứng thẳng nhìn mặt trời dậy sóng 
Mạch sóng trào theo nước thủy triều dâng” 
(Tiếng hát muôn đời) 

Kết thúc bài viết ngắn này, nhân kỷ niệm 45 năm ngày mất của nhà thơ, tôi xin được thắp một nén nhang tưởng niệm, đây còn là một sự ngưỡng mộ như của mọi người đối với Phan Trước Viên lúc sinh thời hay nay lúc đã đi xa…. Xin được kính cẩn nghiêng mình trước Phan Trước Viên – một nhà thơ tài hoa xứ Quảng đã lặng lẽ ngã xuống vì độc lập tự do cho Tổ quốc… 


Hot girl Viet Nam Click Here
Hot girl in the world Click Here