Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Những chuyến ngao du ! KỲ 5 (Thăm nhà tưởng niệm PHAN CHU TRINH)


Bài viết kỷ niệm 87 năm ngày mất của Chí sĩ cách mạng PHAN CHÂU TRINH (24/3/1926 – 24/3/2013)
     Bàn thờ PHAN CHÂU TRINH đặt giữa ngôi nhà tưởng niệm (Ảnh Andi)


Một tháng giêng tôi đã đi nhiều nơi và đến nhiều địa điểm, có ngày leo lên chót vót đỉnh núi cao như tôi đã đứng trên Vọng Gác Đài – Ngũ Hành Sơn …ngắm biển, lúc lại đi lang thang trong khu phố cổ Hội An, một thành phố của nhiều ngôi nhà có niên đại đến vài trăm năm tuổi vẫn còn nguyên kiến trúc xưa, không cơi nới, không sửa sang hoặc sơn phết chút nào….Một tháng trời đi rong ruổi, nhưng có thể nói đến nơi nào tôi cũng được trải nghiệm riêng cho mình một cảm giác sống, đó là được sống chậm lại chút xíu trong đời sống này khi hàng ngày lắm lúc phải bon chen, và hơn nữa đi như vậy để cho mình biết sống “Uống nước nhớ nguồn” và biết yêu thương nhiều hơn sau khi trở về với cuộc sống thực tại…..

 Cổng nhà tưởng niệm Phan Châu Trinh tại Tam Lộc- Phú Ninh (Ảnh Andi)


Không phải ngẫu hứng, nhưng sau khi tôi đã đến thăm “Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng” ở Tiên Phước, lẽ tất nhiên là tôi không bao giờ quên sẽ đến thăm các khu di tích, nhà tưởng niệm những chí sĩ anh hùng của đất Quảng Nam như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp .v.v.v

Với tôi những chuyến đi tới thăm các khu di tích lịch sử đều luôn có ý nghĩa , đó là để nhận thức lịch sử văn hoá, lịch sử con người, lịch sử của những con người cách mạng một cách sâu thêm. Ý nghĩa của nó không chỉ là kiến thức ngoài sách vở mà còn cho ta hiểu một cách chân thực hơn bằng trực quan sinh động về những con người anh hùng của dân tộc Việt Nam như tôi đã đến thăm “Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh”, “Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng” v.v.v.

Sau chuyến đi ai cũng đều có một cảm nhận cho riêng mình, nhưng tất cả những cảm nhận đó tôi nghĩ đều hướng về một điều chung, đó là cái tính  “vĩnh cửu trường tồn” của con người Việt Nam: Là lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc những anh hùng, những nhà cách mạng đã ngã xuống, đã hy sinh cho dân tộc Việt Nam !

    Một trong những bức ảnh trong nhà Tưởng niệm (Ảnh Andi)
Đôi nét về PHAN CHÂU TRINH và ngày mất của ông

Chí sĩ Phan Châu Trinh tự Tử cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã. Sinh ngày 9- 9- 1872 tại làng Tây Lộc, tổng Vinh Quý, huyện Hà Đông (Tam Lỳ, Quảng Nam, Nay là xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Ông mất vào lúc 9 giờ 30 tối ngày 24.3.1926 tại Sài Gòn.

Ngay sau ngày PHAN CHÂU TRINH mất, là liền có một phong trào yêu nước sôi nổi đã phát triển nhanh khắp các thành phố, thị trấn cả nước bất chấp sự đe dọa và đàn áp của thực dân Pháp lúc ấy đang đô hộ nước ta. Tất cả ở mọi nơi như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Phủ Lý, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, Bến Tre, Ba Tri, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long Xuyên, Cao Lãnh, Hương Điểm, Rạch Giá, Tây Ninh... đâu đâu cũng tổ chức lễ tang, truy điệu cụ Phan. Không những vậy ở nước ngoài như Phnom Penh, Paris..., tất cả bà con Việt kiều ai ai cũng hưởng ứng tham gia. Riêng tại Sài Gòn, đám tang Phan Châu Trinh đã trở thành một cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng (...). Những ai chứng kiến đám tang vĩ đại này thời ấy cũng bảo, dù rất đông người tham gia nhưng được tổ chức thật trang nghiêm, trật tự và được đánh giá là "Dân tộc Việt Nam đã tỉnh giấc, thức dậy rồi! Việt Nam"

Thân phụ ông là Phan Văn Bình (1886), làm chức Quản cơ sơn phòng, sau tham gia phong trào Cần vương, làm Chuyển vận sứ đồn A Bá (Tiên Phước) phụ trách việc quân lương. Mẹ ông là Lê Thị Trung (Chung) (1878), con gái của một nhà vọng tộc, thông thạo chữ Hán, ở làng Phú Lâm huyện Tiên Phước, Quảng Nam

Phan Châu Trinh sinh hạ được 3 người con là Phan Châu Dật, Phan Thị Châu Liên (Tức cô Đậu 1901- ?) và Phan Thị Châu Lan. Người con trai Phan Châu Dật mất sớm vào năm 1921 khi chưa lập gia đình. Bà Phan Thị Châu Liên kết hôn với ông Lê Ấm có 7 người con là Lê Thị Khoách, Lê Thị Kinh (Phan Thị Minh), Lê Thị Lộc, Lê Khâm ( Tức Nhà văn Phan Tứ - 1930-1995) *.

Còn bà Phan Thị Châu Lan (tức cô Mè 1904 -1944) có chồng là ông Nguyễn Ðồng Hợi làm tham tá công chánh là thân sinh của người phụ nữ lừng danh thế giới Nguyễn Thị Bình (Còn gọi là Châu Sa - Nguyên Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) **

   Đường lên Tam Lộc nơi có nhà tưởng niệm Phan Chu Trinh

Tháng giêng về thăm nhà tưởng niệm cụ PHAN CHU TRINH

Lời đầu tiên trong bài viết này tôi xin tiết lộ một điều rằng, tôi là người thích đi nhiều nơi, nhưng đích thực tôi là một tay “Phượt thủ” (Những người chuyên đi du lịch bằng xe máy dù đường đi có nguy hiểm và cách xa)

Một buổi chiều nắng đẹp, tôi chẳng chuẩn bị gì nhiều như mọi lần đi các nơi, tôi xách xe máy ra chỉ kiểm tra cho đầy đủ xăng dầu, rồi không có điều gì ngần ngại, tôi đã phóng xe lao đi vun nút. Khi đã đến ngã ba cầu Bà Dụ - Tam An- Tam Kỳ, tôi ngoặc xe sang hướng Tây để thẳng tiến về “Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh” khi nghe người dân tại đây chỉ bảo. Đường đi lên nhà tưởng niệm Phan Châu Trinh thật là thẳng tắp, lại không chút mấp mô. Tôi đi qua những làng, những xóm với đặc điểm như đã thấy nhiều ở nông thôn miền Trung. Đó là những ngôi nhà luôn tách biệt và được bao bọc bởi luỹ tre làng quanh năm xanh tốt. Hết làng, rồi tôi lại bắt gặp những ruộng đồng trải dài ngút ngát và trông thật bình yên. Qua vùng này, tôi chỉ nhích nhẹ tay ga để cho xe mình chạy thật chậm, để lắng nghe tiếng gió thổi vi vu mát rượi và hơn nữa chạy như thế tôi mới cảm nhận được những chuyển động tinh tế nhất của đất trời ở vùng đất nơi đây đang sinh sôi – Một nông thôn Tam Lộc trù phú và đang vươn mình để làm giàu và đẹp ….

Xe tôi đi chừng được khoảng 15 km là đến nhà thờ Tộc Phan ở Tam Lộc – Phú Ninh, dừng xe ven đường, tôi hỏi một người nông dân đang làm đồng bên vệ đường tôi đang đi : “Thưa bác cho cháu hỏi đường đi đến Nhà tưởng niệm cụ Phan Châu trinh” và người ấy đã phải dừng tay công việc, ngẫng mặt lên cười nhẹ và nhiệt tình trả lời cho tôi bằng giọng nói thật là thân thiện : “Con chỉ đi thêm năm ba cái nhà nữa, rồi rẽ phải theo con đường có lát đá xanh là đến “Nhà tưởng niệm cụ Phan!”. Tôi nghĩ bụng mình thật may và thật chính xác khi gặp và hỏi đường được với một người chân quê thật thà chất phác có giọng nói phát ra rất đặc trưng của con người Quảng Nam cứ làm tôi nhớ mãi…..

Nhưng khi tôi vừa chạm chân đến đầu ngõ nhà tưởng niệm cụ Phan là đã nhìn thấy cổng đã khóa im lìm từ khi nào chẳng rõ. Tần ngần tôi chỉ biết đứng ngoài nhìn vào khuôn viên trông thật đẹp và yên lắng của một ngôi nhà cổ xưa. Tôi không biết mình phải làm sao đây, hay đến rồi chỉ ở ngoài nhìn “Nhà tưởng niệm cụ Phan”…..từ xa, còn không nếu xách xe chạy về liền thật là …quá uổng. Nhưng lúc tôi vừa loay hoay móc chiếc điện thoại Iphone của mình ra định chụp vài trước cổng Nhà tưởng niệm cụ Phan rồi về, bỗng có một người phụ nữ nhà nằm ngay trước cổng nhà tưởng niệm cụ Phan vọng sang hỏi (Xin nói thêm đã 6 năm nay tôi luôn dùng chiếc điện thoại này “Tác nghiệp” mọi lúc, mọi nơi): “Chú đi tham quan nhà tưởng niệm cụ Phan Châu Trinh hả ?”. “Dạ! Con đi thăm nhà thờ cụ Phan!” – Tôi chưa kịp nói tiếp điều gì thêm, nhưng bà ta tiếp : “Để tui mở cổng cho chú, tui mới đóng cổng khi nãy, vừa có một đoàn tham quan, họ đã ra về cách đây mấy phút. Tội nghiệp kinh, nghe nói họ là Việt kiều ở Sài Gòn ra, đi chi mà xa xôi kinh rứa…Ủa!? B chú cũng người Sài Gòn luôn hay răng mà tui nghe giọng y như mấy người hồi nãy!?.”. Tôi không biết nói điều gì với bà thêm mà chỉ biết cảm ơn rối rít khi trong lòng mình đã mở cờ sung sướng, như thể tôi có một buổi chiều gặp may. Niềm vui ấy còn lớn hơn như ai đó đã tặng cho tôi một món quà quý. Sau thêm một vài câu thăm hỏi, tôi biết bà tên là Phan Thị Mai, người cháu bà con của cụ Phan, cũng là người trông giữ và quét dọn khu nhà này.

Khi bà Mai vừa mở cổng, cũng là lúc tôi đã thấy mặt trời chuẩn bị bắt đầu trò chơi trốn tìm trên đỉnh núi ngay sát sau nhà tưởng niệm của cụ Phan. Tôi chậm rãi bước lên từng bậc tam cấp dẫn vào khoảng sân rộng lớn của một ngôi nhà cổ nguy nga. Ánh nắng bắt đầu nhạt, kéo lưng lửng trên nền trời trong veo và trải xuống khiến cho ngôi nhà cổ trông thật trang nghiêm mà khoáng đạt lạ. Lần đầu tiên đến, tôi thấy cái đẹp nơi đây rất hài hòa cùng với núi trời nhìn rất gần trong tầm mắt, chắc ai lần đầu đến cũng có cảm giác mới lạ như tôi, rồi sẽ thích và yêu, rồi sẽ biết và hỏi ở mình phải làm gì để gìn giữ và quảng bá một di sản “văn hóa vật thể” như ngôi nhà lưu niệm của cụ Phan này đây !?

Mới gặp nhưng bà Mai chẳng khác gì là một người bạn đồng hành với tôi. Đầu tiên tôi đưa máy điện thoại để cho bà chụp giúp tôi một vài kiểu ảnh với khu nhà tưởng niệm, sau đó bà đưa tôi dạo một vòng quanh vườn nhà cụ Phan. Bà vừa đi, vừa giới thiệu cho tôi nghe về lịch sử ngôi nhà và tôi đã nghe và hiểu nhiều điều thú vị mà mình chưa bao giờ biết về khu nhà này từ một người chỉ mới quen. Bởi hồi còn đi học qua sách vở tôi chỉ biết mảnh đất Tam Lộc này, Chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh đã sinh ra và lớn lên nhưng tôi chưa một lần đặt chân đến. Tôi biết bà một hướng dẫn viên du lịch “không chuyên” và thậm chí còn là bất đắc dĩ, nhưng qua lời kể của bà ta , tôi có cảm tưởng mình đã gặp được một “Nhà Phan Châu Trinh học” chứ đâu phải chuyện chơi…..

Đến khi cánh cửa chính của ngôi nhà được mở, tôi sửng sờ trước mắt mình một ngôi nhà cổ có 3 gian, 2 chái, mái nhà được lợp nguyên bằng ngói âm dương theo kiểu một hàng ngửa, một hàng úp. Thoạt nhìn ai cũng biết chắc đó là một ngôi nhà không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc với nhiều tiểu tiết hoa văn chạm trổ rất đẹp, còn những vật lưu niệm, tranh ảnh trong nhà được bài trí hết sức trang trọng và khoa học làm sao!. Ở ngay giữa nhà là bàn thờ cụ Phan, còn trên tường xung quanh nhà được treo rất nhiều ảnh. Đó là những bức ảnh của gia đình cụ Phan, cũng như ảnh cụ chụp chung với những người bạn mình như Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế, Phan Bội Châu và biết bao chí sĩ yêu nước khác đã cùng cụ tham gia vào phong trào Duy Tân và các phong trào khác, cũng như những người đã cùng cụ Phan hoạt động tại Pháp. Phải nói bức hình nào cũng thật quý cho giá trị lịch sử, là “nhân chứng hoàn tráng” cho cuộc đời cách mạng của cụ Phan Châu Trinh .

Tôi chỉ chụp cho mình được một vài tấm ảnh rồi đắm mình vào nhìn đọc các dòng chú thích của những bức ảnh ấy và bức ảnh nào cũng buộc tôi phải thật chậm rãi và cảm nhận …..

Rồi tôi đã được nghe bà Mai kể thêm : “Ngôi nhà này được chính quyền địa phương “trùng tu và xây dựng” lại theo kiến trúc cổ  trên nền nhà cũ xưa kia của cụ Phan để tỏ lòng kính trọng Phan Châu Trinh- Một nhà cách mạng, nhà văn, nhà hùng biện yêu nước có chân tài thực học…. Và ngôi nhà được công nhận di tích theo quyết định số 67/2005/QĐ-BVHTT ngày 16 tháng 11 năm 2005”

Hơn một tiếng đồng hồ ở nhà tưởng niệm cụ Phan, tôi đã nhìn từng chi tiết và hình như đã cảm nhận được gần như trọn vẹn về cuộc đời của Chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh. Cụ là niềm tự hào, là tấm gương trung kiên bất khuất của người dân Tam Lộc, của Huyện Phú Ninh, của Quảng Nam nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung và hơn nữa trên toàn thế giới đều biết tên ông.

Tôi đã từng đến thăm nhiều khu di tích, nhiều nhà lưu niệm ở mọi miền đất nước, song nhiều khi đến thăm và chứng kiến nơi ấy, rồi bỗng dưng tôi vỡ vạc ra một chân trời hoài vọng. ...Như còn có nhiềunơi tôi thấy con người lại quên đi văn hóa ứng xử và hiếu khách tham quan. Thậm chí người ta quên một cốt cách của người xưa, người của lịch sử để làm nên một ngôi nhà tưởng niệm đúng chất nhân văn v.v.v. Còn đây, khi tôi đã đến và đã thấy cuộc sống của vùng Tam Lộc- Phú Ninh nay đã đổi thịt và vinh dự thay ở nơi đây lại có một di tích quý báu thuộc về lịch sử không chỉ riêng của cho miền đất này mà còn là cả nước .

Andi Nguyễn Ánh Nhật

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG CHUYẾN ĐI. 

     Cổng nhà thờ Tộc Phan ở Tam Lộc gần nhà tưởng niệm


                    Nhà thờ Tộc Phan ở Tam Lộc - Phú Ninh

            Bia tưởng niệm đặt nơi đầu ngõ nhà tưởng niệm

                          Đường dẫn vào nhà Tưởng niệm


                         Nhà tưởng niệm Phan Châu Trinh

                                          Một góc nhìn


                     Giếng nước trước ngôi nhà tưởng niệm


                          Ngôi nhà nghỉ trong khu di tích


                           Ngôi nhà chính nhìn từ bên hông


                                      Và ở phía bên kia


                      Phan Châu Trinh và những người bạn 


                                Vợ của Phan Châu Trinh

           Phan Châu Dật con trai của Phan Châu Trinh


          Phan Châu Trinh và con trai trong thời gian ở Pháp

          Chiếc rương xe của nhà cụ xưa kia được phục chế


          Và chiếc cối xay gạo được phục chế theo nguyên tác



                             Mới đến ...cổng khóa chặt!

                           Khi vào được nhìn từ trong ra

                              Về hay ở lại !? Buồn ...5 phút!


                    Tác giả ngồi trước ngôi nhà tưởng niệm


             Tác giả trước ngôi nhà nghỉ trong khu di tích


                        Tác giả đứng trước ngôi nhà chính


Dòng kênh chính Phú Ninh hướng về nhà tưởng niệm Phan Châu Trinh
Mong các bạn đón đọc : Những chuyến ngao du (Kỳ 6 - Đức Linh - Mảnh đất và con người)


                         (TẤT CẢ ẢNH DO ANDI CHỤP)

THAM KHẢO THÊM

(*) Những Tác phẩm tiêu biểu của Nhà văn PHAN TỨ

 PHAN TỨ và một trong những trang di cảo còn lại của cố nhà văn.
- Bên kia biên giới (tiểu thuyết, 1958, tái bản 1978)
- Trước giờ nổ súng (tiểu thuyết, 1960)
- Trở về Hà Nội (truyện ngắn, 1960)
- Trên đất Lào (bút ký, 1961)
- Nhật ký chiến trường (di cảo, viết bằng 4 thứ tiếng Việt, Lào, Pháp, Nga)
- Về làng (1964)
- Trong đám nứa (truyện ngắn, 1968)
- Gia đình má Bảy (tiểu thuyết, 1968, tái bản 1971, 1972, 1975)
- Măng mọc trong lửa (bút ký, 1972, 1977)
- Mẫn và tôi (tiểu thuyết, 1972, 1975, 1978, 1987, 1995)

(**) Những Tác phẩm tiêu biểu của Bà Nguyễn Thị Bình

           Bà Nguyễn Thị Bình giới thiệu tác phẩm của mình
- "Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước" – Tác phẩm đã gây ấn tượng bởi một cái tên đã gắn liền với Hiệp định Paris (về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam), gắn liền với sự nghiệp ngoại giao nhân dân, người phụ nữ Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới – Bà Nguyễn Thị Bình.
Andi Nguyễn Ánh Nhật


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hot girl Viet Nam Click Here
Hot girl in the world Click Here