Mấy năm nay tôi đi làm ăn xa, cứ khoảng một tháng tôi mới trở về Sài Gòn một lần và lần này là cuối ..... "tháng sáu trời mưa"
Sài Gòn đơn giản chỉ có hai mùa mưa và nắng, nhưng cuộc sống ở đây thật đáng yêu: đa âm, đa thanh và đa màu sắc ....
Tôi sinh ra và trưởng thành tại Quảng Nam nhưng làm ăn, sinh sống tại Sài Gòn, rồi Biên Hòa cũng đã hơn hai mươi năm, nên mảnh đất này tôi coi là quê hương thứ hai, chỉ còn thiếu một quê nhà....Đất miền Nam bao nhiêu năm rồi đã cho tôi bát cơm, tấm áo. Bởi vậy có ai đó cũng đừng nên thắc mắc, vì sao tôi chỉ là dân "tha phương cầu thực" lại đôi khi không ngượng miệng xưng mình là "người Miền Nam", giọng lạc mất "răng, tê, mô, rứa".....
Sài Gòn mảnh đất tôi yêu, Biên Hòa cũng vậy, bởi đây là nơi “đất lành chim đậu”, là đất “tứ hải giai huynh đệ”, là bạn, là tôi, là những người đến đây mà "gia tài" mang theo chỉ là túi xách, ba lô và "bảo bối" cũng chỉ là văn hóa giọng nói của bản địa sinh ra.
Biên Hòa nơi tôi sống thật dễ tính, không kén chọn, dù ai đó ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ hay Nam Kỳ mang đến đây cái gì cũng được, miễn là đừng làm người "dân chính gốc" thấy "kỳ" mà thôi....
Sài Gòn, Biên Hòa luôn ở trong trái tim tôi, mỗi lần quay về là niềm thương, còn xa là nỗi nhớ chênh chao....
Mới về đến nhà, đứa con trai tôi nói “bà Tư Café” nhà ở ngay đầu xóm đã đi về cõi vĩnh hằng cách đây mấy hôm, vì căn bệnh ung thư. Bà Tư nay tuổi cũng gần tám mươi, nên bây giờ bà “về Trời” cũng là quy luật sinh tử của một đời người phải có. Nhưng thương bà Tư ngày còn sống, tôi liền bước sang nhà bà để đốt nén nhang và lòng cứ miên man trải dài theo dòng thời gian ngày bà còn sống....
Cũng mới đây thôi, căn nhà của bà cũng là quán café để bà kiếm sống sinh nhai trong khoảng thời gian cuối cuộc đời mà không phải cậy con, nhờ cháu. Quán bà Tư không kén khách, từ người giàu sang, cho đến người nghèo khó đang sinh sống quanh nhà tôi cũng đều ghé đến quán bà mỗi sáng.
Tôi đang làm việc ở nơi xa, cách Sài Gòn cũng đến hơn năm trăm cây số, nên mỗi khi về lại nhà cũng có đôi chút mệt nhọc vì đường xá xa xôi. Nhưng khi nghĩ về bà Tư, về ly café hàng ngày bà bán hay nghĩ đến một chút kỷ niệm nhỏ giữa tôi với bà, tất cả vẫn còn đây, không rơi rớt chút nào trên "đường xa, vó dặm". Thật buồn khi tôi trở lại “chốn xưa lối cũ” nhưng “cảnh đó, người đâu”, tôi hoài niệm về bà ……
Tôi đang làm việc ở nơi xa, cách Sài Gòn cũng đến hơn năm trăm cây số, nên mỗi khi về lại nhà cũng có đôi chút mệt nhọc vì đường xá xa xôi. Nhưng khi nghĩ về bà Tư, về ly café hàng ngày bà bán hay nghĩ đến một chút kỷ niệm nhỏ giữa tôi với bà, tất cả vẫn còn đây, không rơi rớt chút nào trên "đường xa, vó dặm". Thật buồn khi tôi trở lại “chốn xưa lối cũ” nhưng “cảnh đó, người đâu”, tôi hoài niệm về bà ……
Quán cà phê bà Tư nằm ở ngay ngã ba đường vào nhà tôi, trông thật đơn sơ với tấm biển quảng cáo tí tẹo như bảng phấn học trò. Nay đã già rồi, nên cái món ăn theo với café ở quán bà cũng là vài chai nước ngọt coca cola cộng thêm vài ba gói thuốc lá mà tín đồ café đến quán bà cũng chỉ thường mua một vài ba điếu, năm thì mười họa mới có khách lấy nguyên bao. Phải nói quán của bà Tư trông thật là đơn sơ chỉ năm, bảy cái bàn nhỏ thấp lè tè cùng với những chiếc ghế gỗ, có cái xiên, cái vẹo. Nhưng vì không cần lãi nhiều, bà đã bán với giá phải chăng nên quán luôn luôn đông khách. Hóa ra sau vài năm “tha hương”, tôi nghĩ ai đó nói: “Sài Gòn - Biên Hòa! Không nơi đâu như ở xứ này, uống ly café phải trả giá cao ngất ngưỡng” . Vậy là không đúng, bởi như quán café của bà Tư, bán với giá 5, 6 ngàn đồng, tôi nghĩ như thể…. cho không.
Hàng ngày, bà Tư mở quán bán từ tờ mờ sáng. Người đến sớm nhất là cánh chạy xe ôm, đây cũng là “khách ruột” của bà. Họ là những người thức suốt cả đêm qua cày ải với mưa sương đưa rước khách, sáng ra họ đến quán bà để tìm chút tĩnh lặng, bình yên. Rồi có người bắt đầu phiên chạy sáng cũng lại đến cùng vui và hỏi chuyện làm ăn của đồng nghiệp đêm qua. Khách đến sớm quán còn là những “ông bạn già” của bà, như ông Bảy, bác Năm trong xóm v.v.v. Đó những ông cụ già khó ngủ, lại vừa khó tính với con ,với cháu, vậy mà mỗi khi đến quán bà chẳng bao giờ nói lớn tiếng hoặc chê trách bà Tư sao “bưng bê chạy bàn” chậm chạp.
Còn như dì Ba, bà Tám là những người bán rau bán quả ở ngoài chợ đầu mối cũng là khách thường xuyên. Họ đều là dân lao động, trên người hàng ngày đã trót mang và trót chịu cho cuộc đời cảnh mua bán trong đêm để cho kịp ở phiên chợ lẻ. Sáng sớm họ đến bà Tư ngoài việc uống café, nghĩ ngơi, còn như tranh thủ để gặp gỡ và nói chuyện với bà con chòm xóm.
Còn như dì Ba, bà Tám là những người bán rau bán quả ở ngoài chợ đầu mối cũng là khách thường xuyên. Họ đều là dân lao động, trên người hàng ngày đã trót mang và trót chịu cho cuộc đời cảnh mua bán trong đêm để cho kịp ở phiên chợ lẻ. Sáng sớm họ đến bà Tư ngoài việc uống café, nghĩ ngơi, còn như tranh thủ để gặp gỡ và nói chuyện với bà con chòm xóm.
Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy ở quán bà Tư cũng có những khách thập phương xa lỡ bước, đời phiêu dạt trôi đi ngàn hướng, họ tạc ngồi lại đây như muốn tận hưởng cái thú cô độc “cafe một mình”. Hoặc những người mới đến sinh sống quanh đây, họ cũng tìm đến quán bà Tư sau những ngày dài đầu tiên ngạo nghễ đứng giữa vòng mưu sinh xôn xao tấp nập, nên ly cafe quán bà Tư còn là xúc cảm sau một đêm lắng đọng ở miền đất chưa quen.
Khách đến quán sớm thường ngày, tôi nhớ có ông “Tám nhà quê”, ông luôn chọn nơi có ánh đèn dịu nhẹ của một góc khuất, rồi gọi ly Café phin đậm đặc mà chỉ có bà Tư mới biết pha đúng với cái “gu”. Ông rất thích mỗi buổi sáng được nhâm nhi một ly cafe có hương vị phải đậm đà, mạnh mẽ. Một cảm xúc chẳng khác nào đâu như “tình già, nghĩa xóm” của ông Tám với bà Tư bấy lâu. Còn chú Bảy tuy ở tuổi trung niên, nhưng râu tóc phong trần áo bạc vì sớm hôm vất vả với mảng đời run rủi. Sáng nào chú cũng ghé đến đây, không bao giờ gọi một loại cafe nào khác ngoài ly vợt nóng hổi. Theo chú cafe buổi sáng mới chia sẻ được những câu chuyện đời hằng thường.
Người dân sống ở xóm tôi, mọi người đều thật tình, đơn giản và phóng khoáng, có thể lúc đầu không biết nhau, nhưng đến quán bà Tư là có thể tâm tình với nhau về những mối lo toan của đời thường vốn có, về những câu chuyện thời sự hôm nay, như để thấy những năm tháng của đời người đi qua không là vô nghĩa. Nhấm nháp vị đắng cafe, họ tin là có những cuộc đời bao quanh giống với cuộc đời của chính họ. Cũng có một vài người, tôi thấy họ lại ngồi trầm tư suy tưởng. Chắc có lẽ là chiêm nghiệm về những thứ mà họ tin đó là triết lý cuộc đời sau những trải nghiệm bản thân (!?).
Chừng đến bảy, tám giờ sáng đến quán bà Tư là một vài cô gái đỏng đảnh, và những chàng trai bảnh bao từ trong những hẻm nhỏ ở xóm đi ra. Tuy tất bật cho một ngày làm việc mới, nhưng sáng nào họ vẫn cố gắng ghé quán bà Tư. Họ đến hối hả, vời cách gọi café: “Cho ly đen!”, “Cho cái phê sữa bà Tư ơi!”, rồi liền hỏi bà Tư ….”Nhiêu!?” nghe ngược đời mà gần gũi. Rồi họ lấy mang đi đến công sở những ly café bà Tư pha sẵn mát lạnh…..Khách của quán bà là những người vậy, đến rồi đi, thân thương lẫn xa cách.
Vốn văn hóa của những người làm công sở ở Sài Gòn là vậy, dù có bận rộn bao nhiêu nhưng mỗi buổi sáng ai cũng muốn tận hưởng cảm giác hương café như vị thực của cuộc đời. Nhấm nháp một chút café là thấy cái cảm giác ngọt ngào như được ở bên cạnh những người yêu thương, bên đồng nghiệp. Điều ấy đối lập với vị đắng của mùi café như cuộc đời vốn có nhưng họ vẫn quá đỗi bình yên và hạnh phúc.
Cũng tại vì là quán café của người già và bình dân, nên bao nhiêu năm sống gần bà Tư, tôi chưa bao giờ thấy khách hàng của bà là những trai trẻ choai choai đến Café và có thể gác chân lên ghế mà quật những con bài đen đét, hay cũng có thể ngồi xổm hai chân lên ghế nhịp nhún. Bởi thế bà và thực khách xung quanh chưa bao giờ phải phàn nàn khó chịu trước những “tay chơi chân chất”, chửi thề giọng Nam nghe dung tục v.v.v
Từ ngày về sống tại xóm đây, tôi có cảm tưởng gần suốt đời bà Tư lụm khụm với cái phin cafe cho khách. Nhìn cách chăm bón từng cục than để cái siêu đất luôn luôn nóng bốc khói của café vợt (café “kho"), cũng như nghe qua cách phân biệt khách lạ với khách quen, tôi mới thấy bà là người trải nghiệm và sành cafe. Bà nói: “Người từ nơi đâu đến đây rồi cũng học cách gọi café như người Saigon chính gốc!. Đôi lúc cũng nhận ra khách lạ, bởi loại khách này ít ai chịu uống cà phê phin, với họ chỉ thường là cốc café vợt. Chắc vì họ không muốn trước mắt mình là cái phin sẽ làm cảm thấy buồn nản và xa cách…” (!?)
Kỷ niệm mình về bà Tư, tôi nhớ một lần mình gọi: “Cho cái đen pha sẵn bà Tư ơi!”. Bà liền hỏi: “Bộ chú có chuyện phải đi gấp hả?”. “Không đâu bà Tư ơi, con thấy cái ly cà phê của chú Chín đang nghi ngút khói, con thèm!”. Hôm ấy ngồi đối diện uống café với chú Chín, tôi thấy ly Café trước mặt mình như nóng muốn bỏng cả môi, vậy mà cách uống của chú thật là lôi cuốn, gây chú ý những người xung quanh. Nhìn chú Chín, tôi như bị mê hoặc bởi cách uống, bởi sự trân trọng, bởi nét mãn nguyện trong lúc hưởng chất đen huyền diệu từ bàn tay bà Tư pha chế. Ông uống café gần như một nghi thức, kiểu trà đạo của một nước Châu Á nào đó mà tôi từng thấy nhưng đã quên.
Còn dì Năm hàng xóm, tôi thấy ngày nào dì cũng đến đây rất sớm và bao giờ cũng gọi bà Tư ly café đúng kiểu “café Saigon” pha sẵn với nhiều viên đá nhỏ. Dì Năm sáng nào cũng ngồi tám chuyện xung quanh, có người nghe hay không nghe, mặc kệ bà… cứ tám. Nào chuyện thằng Tý con của dì đêm qua đi chơi khuya với thằng Tèo về nhà bị bà la chửi mắng yêu. Chuyện cô bé Út Hương con bà “Năm Rực” xóm trên, xưa rầy nổi tiếng ăn chơi nhất xóm, vậy mà đến nay cũng đã chịu….lấy chồng v.v.v
Thú cafe ...một mình!
Nhà cửa của tôi ở Biên Hòa, nhưng vài ba năm nay tôi đi làm ăn ở nơi xa. Có những lúc ngồi Café ở “đất khách quê người”, tôi vẫn thường nhớ đến quán cafe bà Tư ở xóm tôi.
Nhà cửa của tôi ở Biên Hòa, nhưng vài ba năm nay tôi đi làm ăn ở nơi xa. Có những lúc ngồi Café ở “đất khách quê người”, tôi vẫn thường nhớ đến quán cafe bà Tư ở xóm tôi.
Nhớ có lần bà Tư đi thăm quê về mời tôi uống ly café sầu riêng mà gần cả đời rồi tôi chưa bao giờ được uống. Một múi sầu riêng thơm ngon nằm trong ly cà phê nóng ngút. Vừa đặt ly lên bàn bà nói khẽ: “Đừng quậy lên nghe chú. Cứ để vậy uống từng muỗng nhỏ, rồi sẽ thấy sẽ biết!”. Đúng là cái món “café thân thương” của bà Tư có chất “riêng” của mùi sầu riêng quyện với hương cà phê thơm ngát, chỉ cần ngụm một chút một là đã thấy phê…phê. Nhìn khuôn mặt đầy mãn nguyện của tôi, bà áp sát tai tôi: “Ngon vậy nhưng mỗi mùa sầu riêng chú chỉ uống một hai ly thôi, còn không là hết ngon đó nghe chú!”. Bà Tư lại cười hóm hỉnh: “Café cũng như ở đời đó chú, cái gì cũng thử một hai lần sẽ ngon ….. (?)”. Câu nói của bà Tư cũng như nhiều "Bà má Sài Gòn" không biết có sâu xa như trong cách nói của người Miền trung quê tôi hay không, nhưng đã làm tôi nhớ mãi về bà.
Như "Bà Tư ....thời trẻ!"
Bà Tư nay đã đi xa, cái quán nhỏ của bà bây giờ không còn nữa. Mấy ngày nay mỗi khi ngang qua đây, con đường quen nhưng tôi bỗng chợt trôi đi hun hút. Hay do lâu lâu mới về nhà nên tôi chưa nhận ra đâu đó gần đây mới mọc trong con hẻm lao động này một quán cóc khác. Chưa thấy, nhưng tôi vẫn tin trong xóm tôi còn đâu đó một “bà Tư” nào ấy, hàng ngày lụm khụm sớm hôm bán ly café buổi sáng cho ông Chín, bác Bảy, dì Năm và cho cả người dân xóm, bởi đây là nơi sẻ chia đôi câu chuyện đời thường chòm xóm.
Có thể nói cafe hẻm là nơi có thể dung hòa được “tình làng nghĩa xóm” của người già với bọn trẻ, người sang cũng như kẻ khó. Một chốn thân quen, đâu chỉ dành có riêng ai, và không bao giờ kén khách….
Có thể nói cafe hẻm là nơi có thể dung hòa được “tình làng nghĩa xóm” của người già với bọn trẻ, người sang cũng như kẻ khó. Một chốn thân quen, đâu chỉ dành có riêng ai, và không bao giờ kén khách….
Lần trở về nhà này bà “Tư café” của xóm tôi đã đi xa, thắp cho bà một nén hương và từ trong lòng mình tôi khấn khẽ với bà : “Ở miền Nam đi đâu là có thể uống được ly café ấm tình làng nghĩa xóm như ly café của bà bán đó, bà Tư ơi ……”
Andi Nguyễn Ánh Nhật
Như "Bà Tư ....thời trẻ!"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét