Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

TAM KỲ - CHUYỆN ĂN NHẬU THÌ HIỆN TẠI (Kỳ 1)



 
Mồi ngon!
NHỮNG CON ĐƯỜNG BIA BỌT.
Nhớ hôm tôi từ Sài Gòn ra thăm Tam Kỳ, khi xe vừa chạm ranh Núi Thành, tôi nhấc gọi cho anh bạn thân Trần Việt, đang công tác tại Công ty truyền tải điện lực miền Trung là tôi đã ra gần đến. Tuy chưa gặp mặt để tay bắt mặt mừng, nhưng anh bạn của tôi cứ đòi nằng nặc trước mắt tôi đến đường Bạch Đằng bên bờ sông Bàn Thạch để làm….. “sương sương”. Cũng theo anh bạn Trần Việt, mùa nắng này ai về Tam Kỳ và có muốn trốn nắng khi gặp phải khí hậu miền Trung không quen, nên đến ven bờ sông này nhâm nhi vài lon bia lạnh là sẽ thấy…”mát trời ông địa”. Ở đây, dân nhậu sẽ đón được những ngọn gió từ cánh đồng ruộng Tam Phú mang hơi nước từ mặt sông Bàn Thạch thổi lên thì không có điều gì lý tưởng bằng(?). Khi nghe ông bạn nói vậy, dù trong bụng cũng nửa tin nửa ngờ, nhưng tôi vẫn đến thẳng nơi anh ta chỉ dẫn. Quả thật con đường này nằm ở ven sông, đẹp và thơ mộng nhưng có cả “rừng” quán ăn nhậu ì xèo. Vừa gặp tôi tại nơi ấy, anh bạn Trần Việt này còn hài hước: “Ở Tam Kỳ hiện nay trên là trời, dưới đất là quán nhậu đó ông bạn xa quê!”.


Vậy ở Tam Kỳ hiện nay có bao nhiêu nhà hàng, quán nhậu lớn và nhỏ? Theo số liệu điều tra dân số mới nhất trong 13 đơn vị hành chính của thành phố Tam Kỳ có 123.662 nhân khẩu. Nhưng thực ra nếu đi thống kê tại địa bàn thành phố này có bao nhiêu quán nhậu thì không thể biết số lượng bao nhiêu, nói đúng hơn chưa có một con số nào cho chính xác. Và tôi đã có một cuộc “điều tra xã hội học” nhỏ là đi hỏi một tay “ngồi ở quán nhậu nhiều hơn ở nhà” kể tên tất cả 13 phường xã thuộc thành phố Tam Kỳ này, thì ra anh ta không nhớ. Nhưng khi tôi hỏi đến tên các quán nhậu có ở Tam Kỳ hiện nay?. Vậy chỉ mới trên đường Huỳnh Thúc Kháng và đường 24-3 là anh ta kể tên vanh vách, và anh ta còn biết cả tên người chủ các quán cóc xệp xệ, lèm nhèm sáng tối bên vệ đường.

Ở Tam Kỳ hiện nay, có thể nói quán nhậu có ở mọi đường, cả trong ngóc ngách hẻm ngõ. Và chỉ tình riêng như con đường “bia bọt” Lý Thường Kiệt trong một lần chúng tôi đi “khảo sát” và tôi đã đếm thử từ đầu đường là Hoa viên Hoàng Nam đến cuối con đường là bệnh viên Nhi- Quảng Nam, một con đường chỉ dài hơn một cây số, nhưng số quán nhậu ở đây tính được khoảng trên 60 quán lớn có biển quảng cáo và còn nhiều quán cóc nằm trên vỉa hè tại đây không đếm xuể. Đó một con số đủ làm ai lần đầu nghe cũng phải kinh ngạc.
Có hôm tôi dạo trên con đường này về đêm, đi chưa hết con đường, rất nhiều quán xá ăn nhậu sáng trưng và quán nào cũng rất đông thực khách, tôi lại có một thoáng suy nghĩ: “Lý Thường Kiệt ngày xưa ông ta thật là lẫm liệt và khí phách, nhưng không biết ông có nhậu nhẹt gì không mà nay con đường mang tên ông lại dập dìu nhiều quán nhậu đến thế !?” 


Nhớ ngày mới thành lập tỉnh Quảng Nam (1997), nhiều con đường mới mở như Hùng Vương, Lý Thường Kiệt, Đường Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trổi tuy nhà cửa chưa được sung túc, nhưng đó là những con đường thơ mộng và bình yên, mỗi buổi chiều người người đi làm về đi ngang qua đây ai ai đều cũng có cảm giác êm ả lạ thường. Nhưng nay đã khác rất xưa, cứ chiều về là mọi người đều được nghe hàng loạt tiếng cụng ly chúc tụng nhau cộng hưởng với tiếng nói cười vang lên từ trong các quán nhậu như một “bản giao hưởng” khác lạ thường. Khi đi lấy tư liệu cho bài viết này, khi tôi chú ý một quán nhậu lòng bò trên con đường Nguyễn Hoàng thấy một người hình như là chủ xị nghêu ngao: “Chiều chiều nhớ lại …chiều chiều”. Ngay sau đó, những người còn lại trong bàn nhậu cùng vang lên: “một, hai, ba …dzô” là tiếng cụng ly kêu lên nghe chan chát. Xung quanh bàn các cô gái phục vụ hết gắp đá lạnh lại đến rót rượu, bia “hối hả”.
Nếu ngày xưa Tam Kỳ là một thị xã bình yên, người dân ít ra đường vào ban đêm và chỉ có vài ba quán nhậu có thể kể tên nằm trên ngã ba Trường Xuân. Nhưng bây giờ quán nhậu có ở mọi nơi, nó không chỉ làm con đường Lý Thường Kiệt như đã nói trên bị tổn thương trầm trọng mà những con đường khác nằm rất gần trung tâm văn hóa, trung tâm hành chính của tỉnh lỵ Quảng Nam như Huỳnh Thúc Kháng, dọc bờ sông Thạch Hãn, Nguyễn Thái Học, Trần Cao Vân, Tiểu La v.v.v đã trở thành những con đường bia bọt. Phải nói so với những gì xưa trước, khi Tam Kỳ còn là một thị xã hoặc chỉ mới đây những ngày đầu mới thành lập tỉnh Quảng Nam, dù chỉ mới 17 năm nhưng nay những cái đẹp ấy đã xa tít mù khơi.

Một lần trong đêm, tôi thử đi đếm trên đường Huỳnh Thúc Kháng chính xác có bao nhiêu quán nhậu?. Chỉ tình từ ngã tư Trần Dư – Huỳnh Thúc Kháng đến nơi con đường này giao nhau với đường Hùng Vương cũng chỉ khoảng 400 m, nhưng có đến 20 quán nhậu có biển quảng cáo nằm san sát nhau hai bên đường. Đoạn đường này lại tập trung khu vui chơi và văn hóa như: Trung tâm thanh thiếu niên tỉnh, Tỉnh đoàn Quảng Nam, Trường cao đẵng dạy nghề Quảng Nam và Trường trung học cơ sở Lý Tự Trọng, nhưng khi về đêm đây là khu phố ăn nhậu sầm uất. Đặc biệt hầu hết các quán nhậu ở đây ánh sáng tù mù dành cho phần đông là dân lao động và thanh thiếu niên. Khi khảo sát, tôi cũng chỉ thấy chỉ có một vài quán Café, chè, sinh tố thật là can đảm, lẻ loi còn tồn tại nơi đây. Thử một vòng tôi nghe rất rõ những tiếng va đập bởi ly rượu, bia chúc tụng nhau và có cả tiếng chửi thề vang lên cả khu này là một thứ âm thanh hỗn độn mà tôi chưa từng nghe  nơi đâu như ở nơi đây.
Ở con đường này, ai đó chỉ nhìn thoáng qua các biển quảng cáo rất đơn giản như Quán Hạnh, Quán Hà, Quán Trinh v.v.v, nhưng những món “đưa cay” được liệt kê trên tấm bảng nhỏ làm thực đơn thật là “hoành tráng” và khi đọc là đã nghe mùi bia bốc lên tới tận mũi. Phải nói đoạn đường Huỳnh Thúc Kháng này như một “quần thể” tùm lum vừa đáng sợ, vừa lại quyến rũ bởi thoang thoảng mùi mực, cá khô nướng, mùi gia vị tẩm chim cút và những món ăn khác ngát hương. Hằng ngày bắt đầu từ 4 – 5 giờ chiều là thực khách kéo nhau về cung đường này, xe máy đậu kín lòng đường và vỉa hè, họ bắt đầu… “hò nhau ăn nhậu”. Nhóm nhậu ốc hút, nhóm cốc ổi, nhóm nhậu chim chít nướng, họ ngồi chuyện trò rôm rả rồi kèm theo cả tiếng dzô, dzô liên hồi.
Tôi có một anh bạn nhà ở gần Quán Dung ngay cạnh trụ sở Tỉnh đoàn Quảng Nam, đây là một quán đông khách nhất trên con đường này. Có lần tôi hỏi anh ta: “Nhà mình ở đây gần quán có ảnh hưởng cuộc sống riêng tư nhiều không anh?”. Vốn là một người hài hước anh trả lời cho tôi: “Ông nhìn thử có ai như tôi, không ăn nhậu mà vẫn mập vì ngày nào cũng được hưởng mùi “xa xỉ” này”. Rồi anh ta nói thêm: “Nhà ở gần quán nhậu nên con gái tôi rất rành bọn con trai khi nhậu say bọn nó nói chuyện với nhau như thế nào và cả khi chúng choảng nhau bằng cái chi, tôi chỉ nói đơn sơ vậy là ông hiểu!” 
Tôi có lần theo mấy anh bạn ở Tam Kỳ dẫn đi giới thiệu một vài quán nhậu trên đường Hùng Vương. Con đường này có trường Đại học Quảng Nam và trường Cao đẵng Kinh tế Kỹ thuật Quảng Nam, không biết có phải vì đây là “khu văn hóa” hay không mà quán nhậu mọc trên địa bàn này … hơi ít. Sau một vòng đi “tham quan” các quán nhậu khác, rồi chúng tôi vòng trở lại dừng xe trước quán Thu Vân nằm trên trục lộ đường này. Thực khách quán này đa phần là những người đi xe hơi biển xanh, biển trắng. Khi chúng tôi bước vào quán, chị chủ quán trông còn rất trẻ và đẹp nhìn chúng tôi từng người “từ đầu đến chân” để biết có phải là khách sang. Và mặc dù thấy chúng tôi ăn vận như những “thằng giặc bại trận”, nhưng người chủ quán vẫn đon đả mời chúng tôi vào phòng vip. Khi thực đơn được cô tiếp viên trẻ đẹp mang ra, thức ăn thì cũng chỉ vậy, quanh qua quảnh lại cũng chỉ là những món ăn “truyền thống” ở vùng đất này: Gỏi hoa chuối, mực hấp, cá hấp cộng thêm vài ba thứ món rau cải linh tinh. Còn thức uống, không như các quán nhậu ở mọi miền, đa phần quán xá ở Tam Kỳ hình như chỉ có một “Gu”, đó là thực khách đều gọi bia Larue, chỉ thỉnh thoảng người Sài Gòn ra như tôi mới “duyệt” loại Bia 333 .
Khi tôi gọi cô tiếp viên mang ra cho tôi vài lon bia 333, anh bạn “Quảng Namhay cãi” của tôi liền phán: “Uống gì thứ bia ấy, nhứt đầu bỏ mẹ” (!?). Tiếp theo tôi nghe anh bạn của mình kể, mầy năm trước ở thành phố Tam Kỳ này tiếp thị bia “trăm hoa đua nở” của các hãng bia, nhưng sau đó một số loại bị dân nhậu ca thán là“din-cai-dau” (điên cái đầu) nên không uống nữa. Tôi nghĩ loại bia Sài Gòn 333 thơm ngon này trong miền Nammọi người rất thích nhưng chắc không phù hợp với khí hậu và người dân Quảng Nam.. Sau một giờ lai rai ở quán này, chúng tôi thấy không gian của quán có vẻ âm cúng, có thể ngồi nhâm nhi và trò chuyện riêng. Nhưng khi chúng tôi gọi tính tiền chỉ vài ba món lặt vặt và hơn chục lon bia, hóa đơn được mang ra cũng thật là hao xu so với mức sống và thu nhập của đa số bộ phận người dân ở thành phố này.
Hôm ấy chúng tôi xách xe chạy tiếp lên hướng ngã ba Trường Xuân, nơi đây xưa nay cũng được vài chục năm rồi nổi tiếng là “phố ẩm thực” của Tam Kỳ với những món ăn đặc sản Mì Quảng và Bánh xèo. Còn ngày nay những quán ấy vẫn còn buôn bán nhưng bị chìm nghỉm trước các quán nhậu ngày càng bành trướng xung quanh như minh chứng rằng cuộc sống hôm nay người dân đã qua thời thiếu đói.
Mấy năm gần đây dịch vụ bán kẹo kéo ăn theo các quán nhậu cũng giống như ở miền Namtrong nhiều năm trước, họ đổ về đây để giúp vui cho những tay nhậu với những bài hát Blero não nề như say. Khi tôi dừng lại một quán nhậu đối diện cây xăng Trường Xuân, thì thấy một bợm nhậu cao hứng giật micro của người bán hàng nghêu ngao: “Mười năm ăn nhậu một lần say khướt”. Quán cóc nhỏ, nhưng âm thanh của tiếng người, tiếng máy hát đều lớn cộng lại như một cái chợ chiều 30 Tết.


Khi nói đến những con đường bia bọt ở thành phố Tam Kỳ, mà không nói đến con đường Nguyễn Văn Trổi có chiếc cầu An Hà bắt ngang là một điều thiếu sót. Con đường này nối về vùng biển mới được làm nên khá khang trang, lại có đồng ruộng và dòng sông Thạch Hãn nên rất đẹp. Nhưng ngày nay tôi nghĩ có ai đó là một nhà thơ tài ba cũng không thể làm một bài thơ trữ tình về chiếc cầu và dòng sông này, bởi quán nhậu tràng giang khủng khiếp. Thời lạm pháp và bão giá nhưng nếu có người khách lạ từ phương xa qua đây, thoáng nhìn chắc sẽ nghĩ thành phố này rất bình an và sung túc.
Khi mùa nắng đến con đường này cũng “đến hẹn lại lên”, cứ chiều về là hàng vài chục quán đều có đông nghẹt người nhậu nhẹt. Mặc dù các quán xá ở đây khách hàng đa số là những người nhân viên, công chức của các công ty xí nghiệp, chiều về họ gặp nhau tại đây nâng ly để gọi là xả stress, như một nhu cầu tâm lý, một niềm vui sống ở thì hiện tại mà không có nhu cầu no hay ngon. Nhưng với đồng lương hiện nay của họ so với mặt bằng giá cả đang tăng cao, mà hằng ngày họ vẫn cứ đến đây nâng chúc thì cũng thật sự là lãng phí về thời gian và tiền bạc.
Có một đêm khuya đi về qua con đường này, tôi nhìn thấy ngoài những tấm biển quảng cáo quán nhậu liền kề sáng trưng, là cả trên những bàn và dưới đất quán nào cũng ngập ngụa vỏ lon bia. Tôi nhẩm tính cứ 3, 4 người lai rai cũng hết một thùng bia Larue, vậy một bàn vị chi cũng phải 2 thùng, thành giá 500.000 đ. Như thế không tính tiền mồi màng các kiểu, chỉ riêng tiền bia thôi, thực khách cũng phải trả cho mỗi quán ở đây hằng đêm đến cả vài chục triệu đồng như chơi.
Phóng sự ngắn này không thể nói hết chuyện quán xá ăn nhậu hiện nay mọc lên san sát trên các con đường lớn nhỏ trong thành phố Tam Kỳ. Ngày nay văn hóa cụng ly, nâng cốc hình như được mọi người lạm dụng cho mỗi khi vui hoặc buồn, chiến thắng hay thất bại…và cho vô vàn lý do khác nữa. Do vậy chỉ từ 9 giờ sáng là quán nào cũng luôn có người đến ăn nhậu, lai rai là một nỗi lo thật sự.
(Kỳ 2) - Quán ăn nhậu liên tục phát triển mừng hay lo? 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hot girl Viet Nam Click Here
Hot girl in the world Click Here